Friday, February 19, 2010

Chùa Bộc & Vua Quang Trung

Chùa Bộc & Vua Quang Trung Quang trung hóa Phật

Chùa Bộc

Chùa Bộc là một ngôi chùa có tiếng tại Hà Nội. Cửa chính của chùa nằm trên phố Chùa Bộc, một trong những đường phố sầm uất. Chùa vốn được dựng để thờ Phật. Nhưng vì chùa tọa lạc sát một chiến trường giữa quân Tây Sơnquân Thanh năm 1789, nên chùa còn thờ cả vong linh những người đã chết trận. Chùa còn thờ cả vua Quang Trung.


Chùa thường được gọi là chùa Bộc (còn có tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Thiên Phúc Tự), tọa lạc tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chùa nằm giữa khu vực diễn ra trận Đống Đa lịch sử năm 1789 (cách gò Đống Đa khoảng 300 mét), cạnh Núi Loa (Loa Sơn) còn gọi là núi Cây Cờ, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử.

Trong chùa Bộc có pho tượng Đức Ông đặt dưới bức hoành mang bốn chữ “Oai phong lẫm liệt”. Sau bệ ngồi của pho tượng có dòng chữ khắc “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” và đôi câu đối có thể hiểu nghĩa bóng ca ngợi công khai vua Quang Trung:

Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ

Quang Trung hóa Phật, tiểu nhiên thế giới chuyển phong vân

nghĩa là:

Cửa đông không bụi trần, sông núi còn lưu rường cột

Trong sáng hóa nên Phật, cõi đời chuyển nổi gió mây.

Đây chính là pho tượng người anh hùng áo vải Tây Sơn mà nhân dân đã tưởng nhớ, bí mật dựng năm 1846 để thờ, bất chấp chính sách nhà Nguyễn xóa bỏ dấu tích nhà Tây Sơn. Đáng quý là trong chùa còn một tấm bia đá tạc năm Quang Trung thứ tư (Nhâm Tý1792) ghi lại việc chùa bị cháy và dựng lại sau trận Đống Đa.

Chung quanh chùa Bộc còn có các gò Đống Thiêng, Đầu Lâu, Trung Liệt, núi Ốc, núi Cây Cờ, chùa Đông Quang… có liên quan đến chiến thắng lịch sử Đống Đa.

Ở chùa có cơ sở chữa bệnh bằng thuốc Nam nổi tiếng.

Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1962 (cùng đợt với đền Ngọc Sơn, ...)

Lịch sử

Trước kia chùa có tên là Sùng Phúc (Sùng Phúc Tự), chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê hoặc trước nữa. Bia cổ nhất của chùa còn ghi niên hiệu Vĩnh Trị nguyên niên, thời Lê Hy Tông (1676).

Bản lịch sử của chùa có ghi vào năm 1676, đời vua Lê Hy Tông, vị Tăng lục Trương Trung Bá cùng nhân dân xây dựng lại chùa đã bị chiến tranh tàn phá.

Trong trận Đống Đa, chùa bị thiêu trụi và ba năm sau, năm 1792, thời Quang Trung, chùa được trùng tu lại trên nền cũ làm nơi quy y cho vong hồn quân Thanh và đổi tên là chùa Thiên Phúc. Tuy nhiên nhân dân vẫn quen gọi là Chùa Bộc để chỉ xác giặc bị phơi ra khắp nơi.

Trong chùa ngoài hai tấm bia làm năm 1676 còn có bia "Chính hòa Bính Dần" (1686), nhưng quan trọng hơn là bia làm năm Nhâm Tí niên hiệu Quang Trung.

Đống Đa ghi để lại đây

Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am

Trước năm 1945, hòa thượng Chính Công trụ trì đã khai trường thuyết pháp đào tạo được nhiều tăng, ni.

Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long triều Nguyễn thực hiện một loạt các cuộc báo thù tàn khốc đối với các tướng lãnh triều Tây Sơn, với con cháu cũng như với chính linh cốt của vua Quang Trung. Sử ghi, sau khi lên ngôi, vua Gia Long tìm đủ mọi cách trả thù người anh hùng áo vải Tây Sơn năm xưa. Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh về kinh, đem vua tôi nhà Tây Sơn về làm lễ hiến phù ở đền Thái miếu, rồi đem ra tận pháp trường hành hình.

Chính vua Gia Long đã tự tay xẻo thịt vua Nguyễn Quang Toản. Còn ba người con của vua Quang Trung là Quang Huy, Quang Thiệu, Quang Bàn cùng các tướng lãnh như nữ tướng Bùi Thị Xuân, Thiếu phó Trần Quang Diệu... người thì bị chém, người thì bị cho voi phanh thây. Con cháu các lãnh tụ nhà Tây Sơn đa số bị truy nã, chém giết. Các thư tịch có liên quan đến Triều Tây Sơn đều bị thiêu hủy. Lại sai quật mả vua Thái đức Nguyễn Nhạc và vua Thái tổ Nguyễn Huệ lên, đem vứt thây đi, còn đầu thì đem bỏ giam trong ngục tối. Ngay cả mộ của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại thôn Phù Ninh huyện Gia Lâm cũng bị quật mồ, phá hủy.

Vua Gia Long tìm mọi cách trả thù, xóa bỏ tất cả ảnh hưởng của người Anh hùng áo vải đối với nhân dân. Nhưng bao giờ cũng thế, nhân dân có tiếng nói của họ. Tiếng nói của quần chúng nhân dân bao giờ cũng là tiếng nói của chính nghĩa, công bằng và tiếng nói ấy tồn tại miên viễn như sinh mệnh bất diệt của dân tộc. Trong khi vua Gia Long tìm đủ mọi cách trả thù, lăng nhục, xóa bỏ ảnh hưởng của vua Quang Trung thì ngược lại, hình ảnh của ngài vẫn tồn tại và đã sống, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, trong lòng những người yêu chuộng tự do, công lý, độc lập dân tộc. Trước sự trả thù tàn khốc và man rợ như thế, nhân dân vẫn tôn thờ hình tượng người Anh hùng áo vải năm xưa một cách rất công khai nhưng rất kín đáo đến nổi kẻ thù không hề hay biết. Đó là tạc tượng vua Quang Trung nhưng lại gọi đó là tượng Thánh, tượng Phật. Và tượng của ngài được thờ tại chùa Bộc, trước kia ở làng Khương Thượng, sau được dời về số 14, đường chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội cho tới ngày nay.

Chùa Bộc là ngôi chùa có liên hệ đến chiến công oanh liệt của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trong trận chiến đánh bại 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược vào thế kỷ XVIII. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XI, thuộc trại Khương Thượng, lúc đầu có tên Sùng Phúc tự. Chùa bị cháy vào năm 1789 trong trận Rồng lửa do nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh đồn Khương Thượng để tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh. Sau khi tiêu diệt xong quân xâm lược, vua Quang Trung đã ra lệnh cho xây dựng lại chùa Sùng Phúc và đổi tên thành Thiên Phúc tự. Nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chùa Bộc. Bộc có nghĩa “phơi bày” nghĩa là ngôi chùa được xây dựng ngay nơi chiến địa mà quân thù chết phơi thây.

Qua thực tế khảo sát, chùa có những liên hệ mật thiết với chiến thắng Kỷ Dậu (1789) của quân Tây Sơn. Ngay phía trước chùa Bộc vẫn còn một cái hồ được gọi là hồ Tắm Tượng, nơi đội hình voi của nghĩa quân Tây Sơn tắm sau khi hạ được đồn Khương Thượng.

Ngày nay diện tích hồ bị thu nhỏ lại rất nhiều so với trước. Sau lưng chùa còn có di tích Loa sơn, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống sau khi thất trận đã thắt cổ tự tử. Trong chùa còn có di tích Thanh miếu tức miếu thờ Sầm Nghi Đống cũng như quân lính xâm lược nhà Thanh đã chết trong chiến trận. Thanh miếu do chính vua Quang Trung ra lệnh cho xây dựng. Dân gian vẫn còn lưu truyền câu:

Đống Đa ghi dấu nơi đây

Bên kia Thanh miếu, bên này Bộc am.

Năm 1959, phát hiện tấm bia đề niên hiệu Quang Trung tứ niên (1792) và một quả chuông đồng đề niên hiệu Cảnh Thịnh (thời Nguyễn Quang Toản)cũng như một số hiện vật xung quanh gò Đống Đa như lò đúc tiền, hoành phi, câu đối có liên quan đến triều đại Tây Sơn. Chính những di tích lịch sử trên đã giúp cho chùa còn tồn tại đến ngày nay.

Về Thánh tượng vua Quang Trung

<

]-->

Tượng vua Quang Trung trong chùa Bộc.

Từ lời dặn dò của người xưa: Năm 1962, cụ Vũ Viết Vịnh (trên 80 tuổi) kể lại rằng “Hồi còn nhỏ được nghe truyền rằng trong chùa Bộc có tượng Đức Ông rất thiêng. Ngài cầm quân từ trong Thanh Nghệ ra Bắc, đánh đâu thắng đó. ”. Đặc biệt, cụ Vịnh còn nhắc lại lời dặn dò của thân phụ là cụ Vũ Viết Ca trước khi qua đời rằng “Trong chùa có một pho tượng lạ và đôi câu đối khác thường. Phải có tấm lòng nhớ người xưa mới thấy được ý nghĩa sâu xa về sự kiện lịch sử trọng đại.”.

Từ đó, người ta bắt đầu tìm hiểu pho tượng Đức Ông chùa Bộc thì thấy rằng đây là pho tượng lạ. Trong một ngôi chùa ở miền Bắc, bao giờ cũng vậy, hai bên tả hữu của chánh điện có thờ đức Thánh hiền và đức Chúa Ông. Sự bài trí bàn thờ của chùa Bộc cũng như thế. Nhưng có một điều khác là bên trái chánh điện, từ ngoài nhìn vào, nơi bàn thờ của đức Chúa Ông, không phải chỉ thờ một Thánh tượng như các chùa khác mà thờ ba tượng. Tượng Đức Ông ngồi trên cao, ở dưới, hai bên có hai pho tượng khác. Cả ba pho tượng cho ta thấy như thể quân vương đang bàn chuyện đại sự với hai vị cận thần. Tư thế của tượng Đức Ông cũng khác thường. Ngài ngồi trên bệ sơn son, một chân ở trong hài, còn một chân để bên ngoài một cách tự nhiên, rất sống động. Ngài mặc áo hoàng bào, thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc, đầu đội mũ xung thiên, có hai dải kim tuyến thả xuống trông rất oai nghiêm. Tất cả trang phục đó là của vị đế vương. Ngay sau lưng pho tượng, phía bên trên đỉnh đầu, có một chữ tâm () bằng Hán tự rất lớn. Bên trên, trước ngai thờ có một tấm hoành phi ghi bốn chữ: “Uy phong lẫm liệt”. Bốn chữ “uy phong lẫm liệt” trước giờ thường được thấy trong các ngôi đền thờ những vị võ tướng như Đức Thánh Trần Hưng Đạo hay Lý Thường Kiệt v.v... để tôn vinh thiên tài quân sự cũng như hào khí lăng vân của các ngài.Còn đối với Đức Ông thì không dùng bốn chữ này mà thường dùng những chữ như “Già lam chúa tể”, “Kinh quyền tịnh dụng” hay “Thần công mạc trắc” v.v...

Đặc biệt hơn hết là đôi câu đối treo hai bên ngai thờ Đức Chúa Ông như sau:

洞裡無塵大地山河留棟宇

 光中化佛小天世界轉風雲

(Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ.

Quang trung hoá Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.

(Trong động sạch bụi dơ, non sông rộng lớn lưu truyền lương đống

Giữa ánh sáng thành Phật, tiểu thiên thế giới chuyển động gió mây).

Đối với Phật tử xuất gia cũng như tại gia, đoạn “Quang trung hóa Phật” không xa lạ gì, xuất phát từ bài tán đức Phật A Di Đà trước khi niệm hồng danh của ngài.

Câu đó nếu được đọc đầy đủ phải là: “Quang trung hoá Phật vô số ức”, có nghĩa: Trong ánh sáng (quang trung) có vô số hoá Phật. Nhưng vế thứ hai của câu đối này có thể hiểu theo nghĩa khác: “Vua Quang Trung hoá thành Phật...”. Nghĩa thứ hai này hoàn toàn không có gì trở ngại đối với câu văn chữ Hán. Vì chữ quang trung bằng tiếng Hán cũng là tên của người anh hùng áo vải Quang Trung (光中). Chính ý nghĩa thứ hai này mới hợp với khung cảnh, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của những người tạc pho tượng của ngài.

Câu đối này đã làm cho nhiều người có nghi vấn về pho tượng lạ Đức Chúa Ông. Đầu năm 1962, cán bộ Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa và Sở Văn hóa Hà Nội đã đến chùa Bộc tiến hành điều tra tại chỗ, xác định giá trị khu chùa Bộc như một di tích trận chiến thắng Đống Đa, đồng thời ghi lại dấu vết của Loa sơn (phía sau chùa), nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống bại trận, thắt cổ tự tử.

Chiều ngày 20-4-1962, cụ Lê Thước, cán bộ Cục Bảo tồn Bảo tàng cùng một số cán bộ của Cục đến chùa Bộc điều tra lần nữa. Trưa ngày 22-4-1962, ông Trần Huy Bá đã đến hỏi chuyện trực tiếp sư cụ Thích Thanh Tôn (1893-1983), trụ trì chùa. Sau đó đi đến quyết định kiểm tra pho tượng thì phát hiện phía sau bệ gỗ pho tượng đặt áp sát vào tường có dòng chữ ghi: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” (Năm Bính Ngọ tạc tượng vua Quang Trung). Như vậy, rõ ràng pho tượng Đức Chúa Ông được thờ tại chánh điện chùa Bộc chính là tượng người Anh hùng áo vải Tây Sơn, người đã hai lần cứu dân tộc khỏi họa ngoại xâm của quân Xiêm (trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785) và quân Mãn Thanh (trận Ngọc Hồi - Đống Đa - Khương Thượng năm 1789).

Về thời điểm năm Bính Ngọ, chắc chắn phải là năm Bính Ngọ sau khi vua Quang Trung mất tức sau năm 1792. Từ năm 1792 đến năm 1962, năm phát hiện ra lai lịch của pho tượng có hai năm Bính Ngọ: 1846 và 1906. Chúng ta chưa thể xác định pho tượng trên được tạc vào năm nào. Rất may, câu đối “Quang Trung hóa Phật” ở trên, có ghi lạc khoản, được cung tiến vào năm ất Mùi. Chắc chắn câu đối phải được cúng sau khi tượng được tạc. Giả thiết tượng được tạc vào năm 1846 thì từ năm 1846 đến năm 1962 có hai năm ất Mùi: 1895 và 1955. Năm 1955 không thể được coi là năm cúng đôi câu đối kia vào chùa được. Vì từ năm 1955 đến năm 1962 chỉ cách nhau 7 năm nên sự việc sẽ được ghi nhận rõ ràng, không có gì trở ngại. Do đó, năm cúng đôi câu đối vào tượng Đức Ông phải là 1895 và năm tạc tượng Đức Ông: Bính Ngọ 1846.

Ai tạc tượng vua Quang Trung ?

Cho tới nay chưa có một bằng chứng thuyết phục về người đã tạc nên pho tượng vua Quang Trung.

Trên tờ báo Cứu Quốc số 3577, ra ngày 20/2/1972, tác giả Đạm Duy viết “Chính ông Nguyễn Kiên, một võ tướng cai quản đội tượng binh Tây Sơn, sau trở thành nhà sư, tu ở chùa Bộc đã cho tạc tượng vua Quang Trung. Ông Nguyễn Kiên đã từng kết bạn thân với nhà thơ, nhà lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Cao Bá Quát. Câu đối ca ngợi vua Quang Trung dẫn ở trên tương truyền là của nhà thơ họ Cao.”.

Pho tượng vua Quang trung được tạc vào năm 1846, dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), lúc mà vua quan Triều Nguyễn vẫn đang tìm đủ mọi cách trả thù, xóa đi tất cả ảnh hưởng của Triều Tây Sơn, cụ thể là phá hủy đền thờ , đào hài cốt của Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân và hai người con của bà đổ xuống sông. Trong tình thế đầy nguy hiểm như thế, những sĩ phu Bắc Hà vốn ngưỡng mộ người Anh hùng áo vải đã kín đáo tạc tượng ngài để tôn thờ. Sự tạc tượng, tôn thờ ngài phát xuất từ tấm lòng biết ơn và sự ngưỡng vọng sâu xa của họ. Ngài chết nhưng khí phách hiên ngang, hào khí lăng vân của ngài thì bất diệt.

Chính sự kết hợp, sự cải biên tài tình, khéo léo này đã bảo tồn được chân dung, di tượng của vua Quang Trung hơn 200 năm qua. Trong khoảng thời gian đó, có thể kẻ thù của người Anh hùng áo vải có lần vặn hỏi về ý nghĩa câu chữ đó. Nhưng rất may, câu đó có xuất xứ từ trong kinh Phật, được đọc tụng hằng ngày, không phải là câu văn mới mẻ gì nên kẻ thù không thể cho rằng câu văn đó lại được dùng để tôn thờ vua Quang Trung và pho tượng đó chính là pho tượng người Anh hùng áo vải năm xưa đã Nam chinh Bắc phạt, đánh đuổi thù trong giặc ngoài, thống nhất giang sơn, xây dựng xã tắc, uy phong vang lừng bốn biển, hào khí truyền mãi nghìn thu. Trí khôn của dân tộc Việt Nam là thế. Hơn thế nữa, đó là minh triết. Minh triết của một dân tộc phải luôn luôn đối mặt với thù trong giặc ngoài. Minh triết đó dạy dân tộc Việt Nam cách giữ gìn hình ảnh thiêng liêng của những vị Anh hùng dân tộc, cách bảo tồn tôn miếu cha ông - hồn thiêng dân tộc.

Chính lòng biết ơn những Anh hùng xả thân vì dân tộc và chính minh triết đó mà ngay trong thời thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta vẫn xây dựng được đền thờ người anh hùng yêu nước Nguyễn Trung Trực (1837-1868), người đi vào lịch sử với chiến công đốt cháy tàu chiến L’Espérance của Pháp vào trưa ngày 10-12-1861 trên Vàm Nhật Tảo.

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, kể từ khi người Anh hùng áo vải bỏ dở giấc mộng thống nhất giang sơn. Hơn hai trăm năm ấy, biết bao nhiêu nước đã trôi qua dưới chiếc cầu lịch sử của nhân loại, bao nhiêu ngai vàng, điện ngọc, bao nhiêu tham tàn, ích kỷ đã bị cuốn trôi theo dòng thời gian khắc nghiệt nhưng Thánh tượng của vua Quang Trung vẫn còn đó, vẫn hiện hữu trong lòng dân tộc.

Ngài không phải chỉ hiện diện ở chánh điện chùa Bộc mà hiện hữu trong tâm khảm của mỗi công dân yêu nước, hiện hữu trong lòng dân tộc - một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do, công lý và độc lập. Thánh tượng của ngài, hình ảnh của ngài bất diệt như sinh mạng bất diệt của dân tộc.

Đây không phải là lần thứ nhất một vị vua Việt Nam được tôn thờ làm Phật. Thời nhà Trần (1226 - 1400), chúng ta có Điều ngự Giác hoàng (Phật Hoàng) Trần Nhân Tông (1258 - 1308), người đã hai lần chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông - đạo quân xâm lược hung hãn nhất thế giới lúc bấy giờ. Có điều, Phật hoàng Trần Nhân Tông được triều đình phong tặng và được những vị vua kế tiếp bảo hộ nên tôn miếu cũng như Thánh tượng của ngài còn được nguyên vẹn là điều đương nhiên. Trái lại, Phật Hoàng Quang Trung do nhân dân, quần chúng tôn xưng và bảo vệ ngài qua bao sự trả thù, hủy hoại tàn khốc của kẻ thù. Nếu bị phát hiện thì hậu quả không thể lường được. Thế mà tôn miếu của ngài đã tồn tại, tồn tại cho đến ngày nay. Đó là điều kỳ diệu, nói lên sức mạnh của nhân dân, của chính nghĩa, và sự đóng góp to lớn của Phật giáo đối với dân tộc.

nguồn: www.anviettoancau.net