Tuesday, April 13, 2010

Trận Chiến Ðấu Bi Hùng của Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu Tháng 4 1975

Bài Quốc Ca Hát Trên Đất Nước Ngày Cuối Cùng

hay

Cuộc Chiến Đấu Bi Hùng của Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu

Đào Vũ Anh Hùng


LTS – Bài viết dưới đây đã được nữ xướng ngôn viên Liên Bích của đài phát thanh VBS, Dallas đọc trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6-97 tại Arlington, Texas, gây xúc động toàn thể cử tọa.


Bài ca ly biệt của quân lực VNCH được diễn tả bằng những hành động ngoạn mục, những trận đánh ngoạn mục của người lính VNCH trong trận thư hùng với các binh đoàn cộng sản lần cuối, vào giờ phút hấp hối của miền Nam. Đó là những trận đánh cực cùng dũng cảm, bi thương, hùng tráng và tuyệt vọng, trước sự chứng kiến của hàng trăm ký giả, phóng viên ngoại quốc, những nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu quân sử…

Đó là thiên anh hùng ca bất khuất của một quân lực trong suốt hơn hai mươi năm chống giữ và bảo vệ cái tiền đồn của thế giới tự do trước làn sóng xâm lăng cộng sản. Thiên anh hùng ca bất hủ đã được nhiều nhân chứng tôn vinh và ngưỡng phục. Sau cuộc tan hoang, miền Nam Việt Nam bị mất về tay cộng sản, nhiều người đã công khai nói lên lòng cảm phục cùng sự thương tiếc cho một quân lực hùng mạnh và quả cảm đã gánh chịu một kết thúc đau thương ngập tràn uất hận.

Ký giả Peter Kahn của đại nhật báo The Wall Street Journal, dưới cái tựa “Truy Điệu Nam Việt Nam”, ngày 2-5-75, nghĩa là hai ngày sau khi Saigon sụp đổ, đã ngậm ngùi kết luận, “Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm và không phải họ luôn luôn được người Mỹ giúp. Tôi nghĩ không có quốc gia nào có thể chịu đựng được một cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc đến như vậy… Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của mọi người!…”

David Halberstam, một ký giả Mỹ đầy thiên lệch khi nhận định về chiến tranh Việt Nam, nhưng khi chứng kiến sự sụp đổ của miền Nam, cũng phải phẫn nộ thú nhận trên tờ Newsweek, “Tất cả những sự thất bại lịch sử, và tất cả những sự hèn nhát tồi tệ của các nhà lãnh đạo Tây phương đều chồng chất lên lưng những người lính Nam Việt Nam. Thật là bất lương và bất công! Sự nhục nhã là của chúng ta chứ không phải là của quân đội VNCH!”

Hầu hết các phóng viên báo chí, các ký giả ngoại quốc trước đây từng công khai bênh vực và nghiêng hẳn về phe Việt cộng, đã phản tỉnh, đã sám hối khi chứng kiến sự kháng cự dũng mãnh, hào hùng và bi thảm của những đơn vị quân đội ở lại chiến đấu đến người lính cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng. Pière Darcourt đã nồng nhiệt ca tụng lòng dũng cảm của quân lực VNCH ở Xuân Lộc, của một đơn vị Nhảy Dù ở Lăng Cha Cả, của anh em Biệt Kích 81 ở Bộ Tổng Tham Mưu và dành hẳn một đoạn dài mô tả cuộc chống trả hiên ngang của các sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trên các đường phố Saigon. Người ta đã nói rất nhiều đến những tấm gương tuẫn tiết của các vị tướng anh hùng, những cuộc tự sát tập thể của những người lính vô danh không chịu đầu hàng kẻ thù, nói đến những kỳ tích chiến đấu của những đơn vị quân lực miền Nam.

Một trong những trận đánh anh hùng ấy đã làm mủi lòng biết bao nhiêu người, đã gây xúc động biết bao nhiêu con tim. Những giòng nước mắt đã dàn dụa đổ xuống khi chứng kiến sự chống trả tuyệt vời và ngoạn mục, có thể nói trên thế giới, không một quân sử nước nào có được.

Đó là cuộc chống trả của các Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tầu trong đêm 29 và gần trọn ngày 30-4-75, khi cộng quân xâm nhập và chiếm đóng các vị trí trọng yếu trong thị xã. Vũng Tàu coi như bỏ ngỏ và rơi vào tay cộng quân, ngoại trừ một cứ điểm duy nhất còn chống cự do những thiếu niên tuổi 12, 13… đến 17 tự lập phòng tuyến quyết tâm tử thủ. Cứ điểm đó là trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và những chiến sĩ gan dạ anh hùng đó là những thiếu sinh măng trẻ của trường. Địch đã tung ra hai tiểu đoàn xung kích bao vây cứ điểm cuối cùng này nhưng chúng đã gặp phải một lực lượng vũ trang đáng kể hiên ngang đương đầu với chúng.

Cộng sản đã coi thường những chú lính sữa chưa bao giờ biết mùi trận mạc. Chúng bắc loa kêu gọi các em đầu hàng và buông lời dậm dọa… Tiếng loa vừa dứt, Việt cộng nhận được ngay một tràng đại liên thay cho câu trả lời, gọn gàng và cương quyết của gần 400 tay súng tí hon. Tiếp theo là hàng trăm mũi súng nhắm thẳng vào bọn Việt cộng bên ngoài, phẫn nộ nẩy cò. Vài tên bộ đội bị đốn ngã ngay trong loạt đạn đầu tiên. Bọn Việt cộng phải đứng khựng lại trước tinh thần quyết tử của 400 hậu duệ anh hùng Trần Quốc Toản. Chúng không dám tấn công ngay vì các em quá nhỏ và vì có sự hiện diện của đồng bào. Chúng lui ra xa tránh đạn, bắc loa ra lệnh các em phải đầu hàng đúng 9 giờ 30 sáng hôm sau, ngày 30 tháng Tư 1975.

Mặc Việt cộng kêu gọi và đe dọa, Thiếu Sinh Quân vẫn kiên trì tử thủ, khiêng chướng ngại vật làm tuyến phòng ngự, tổ chức giao liên, tiếp tế đạn dược, nước uống và lương khô, cứu thương và cứu hỏa… Anh lớn chỉ huy các em nhỏ, áp dụng tuyệt vời những bài học quân sự và kỹ thuật tác chiến đã được giảng dạy ở quân trường. Đúng 9 giờ 30 sáng ngày 30-4, cộng quân ra lệnh gọi đầu hàng lần chót nhưng các chiến sĩ tí hon vẫn kiên quyết kháng cự, trả lời chúng bằng những loạt đạn dữ dội hơn.

Việt cộng nổi cơn khát máu. Chúng khai hỏa, mở cuộc tấn công ào ạt mong giải quyết chiến trường nhanh chóng. Nhưng chúng phải lập tức dội ngược lại, không ngờ sức chống cự quá mãnh liệt và hỏa lực từ bên trong bắn ra vô cùng chính xác vào những cái bia sống - những cái bia người “sinh Bắc tử Nam”! Các em chưa bao giờ được bắn, nay đã bắn với tất cả căm thù, mong giành lại những gì sắp bị cướp mất.

Thiếu Sinh Quân có đầy đủ vũ khí cá nhân và vũ khí cộng đồng. Ngoài ra còn có lợi điểm là các công sự phòng thủ trong trường, vừa đánh vừa di chuyển, ẩn núp trong khi bộ đội cộng sản lớ ngớ như bầy chuột chù ra ngoài ánh sáng. Lại có những thanh thiếu niên và quân nhân vỡ ngũ từ bên ngoài, hào hứng và kích động, tìm cách lẻn vào tăng cường tay súng, nhập cuộc cùng các Thiếu Sinh Quân chiến đấu ngay trong sân trường hay đột kích, đánh bọc hậu bọn bộ đội khiến chúng nao núng và rối hoảng. Việt cộng bắn sập một khoảng tường nhưng không thể nào vượt qua lưới đạn của các chiến sĩ nhỏ tuổi mà can trường. Các em đã chiến đấu thật gan dạ, nhanh nhẹn, khôn ngoan, phối hợp nhịp nhàng và kỷ luật như những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến, nhà nghề. Đây là trận đánh thực sự đầu tiên mà cũng là trận đánh cuối cùng của các em còn dở dang khóa học. Trận đánh quyết tử đã đi vào lịch sử.

Các thiếu sinh quân chiến đấu không nao núng dù có nhiều em ngã gục. Những đứa con bé bỏng của quê hương đã chết trong giờ phút cuối cùng của miền Nam, khi tóc còn xanh, rất xanh, mộng đời chưa trọn. Đồng bào chứng kiến cảnh bi thương này đã oà lên khóc. Có những bà mẹ kêu gào, lăn xả vào cản ngăn, trì kéo ngọn súng bọn bộ đội để che chở cho những thiếu niên ở bên trong. Tiếng nổ, tiếng hò hét, tiếng kêu khóc, tiếng loa uy hiếp của Việt cộng đã tạo nên một không khí chiến trường lạ lùng chưa từng thấy… Các Thiếu Sinh Quân chiến đấu với tất cả nhiệt tình và sinh lực tuổi trẻ, hăng say, hào hứng như đang tham dự một trò chơi lớn.

Cuộc chống cự kéo dài đến 3 giờ chiều. Cho tới khi kho đạn dược đã cạn và kho lương bị bốc cháy, các Thiếu Sinh Quân mới bằng lòng cho Việt cộng thương thảo. Họ đòi hỏi Việt cộng chấp nhận một giờ ngưng bắn, sau đó sẽ buông súng và mở cổng…

Các em đã dùng một giờ ngưng bắn để thu dọn chiến trường, săn sóc đồng đội bị thương, gói liệm thi hài những vị tiểu anh hùng đã gục ngã và chuẩn bị làm lễ hạ kỳ. Họ không để cho bọn cộng sản làm nhục lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ biểu tượng thiêng liêng gói ủ hồn dân tộc mà họ đã thề nguyền phải thương yêu và bảo vệ.

Chừng hơn một trung đội Thiếu Sinh Quân đã tập họp trước sân cờ, đứng trang nghiêm và thành kính nhìn lên lá quốc kỳ còn nguyên vẹn màu tươi thắm bay phất phới trên nền mây ngọc bích. Hai Thiếu Sinh Quân lớp 12 là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Chung bước tới, đứng nghiêm trước kỳ đài theo lễ nghi quân cách, dơ tay chào. Họ từ từ nắm từng nấc dây, cho lá cờ hạ xuống thật chậm và từ tốn như cố kéo dài cái phút giây thiêng liêng cảm động đó, nước mắt chảy đầm đìa.

Tất cả Thiếu Sinh Quân từ trong các từng lầu, từ các hố cá nhân, các giao thông hào, sau những gốc cây, sau những bờ tường, trên mái nhà… không ai bảo ai, đồng loạt đứng bật giậy, đồng thanh cất tiếng hát bài quốc ca. Gần 400 giọng hát hùng tráng cất lên, vang khắp sân trường. Bọn địch nghe, ngơ ngác không phản ứng. Tiếng hát phủ tràn trên tuyến địch, vang đến tận Bãi Dâu, đến tận Bến Đình… Mọi người dân Vũng Tàu đều nghe và rúng động. Tiếng hát bay ra biển khơi, bay lên trời cao, âm thanh lồng lộng theo gió chiều, đất trời cũng ngẩn ngơ rớm lệ khi nghe tiếng hát.

Các Thiếu Sinh Quân đã làm lễ mai táng đất nước, đã trang nghiêm rửa sạch tấm bia danh dự của quân đội VN Cộng hòa, đã vuốt mắt cho Mẹ Việt Nam yên nghỉ qua lễ hạ kỳ lần cuối. Họ hát bằng tiếng nấc thê lương và phẫn uất từ sâu thẳm trái tim, nước mắt chảy ra ràn rụa, nghẹn ngào. Đồng bào cũng thổn thức hát theo và thương tủi khóc theo.

Thời gian ngưng đọng lại trong giờ khắc thiêng liêng, bi thảm, xúc động và lẫm liệt đó. Cho đến bây giờ, hàng chục năm sau, nhiều người vẫn còn nghe văng vẳng trong sâu thẳm buồng tim thắt nghẹn, tiếng bi thương hùng tráng của các em Thiếu Sinh Quân hát bài Quốc ca trên đất nước lần cuối cùng, trong ngày cuối cùng của tháng Tư đen, ngày oan khiên định mệnh của dân tộc Việt.

Đào Vũ Anh Hùng

Trận Chiến Ðấu Bi Hùng của Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu Tháng 4 1975

tsq_bw22


tsq

Từ bên kia bờ sông Bến Hải, vết xích chiến xa T-54 và các sư đoàn Bắc Việt đã xoá nát văn kiện Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 tiến dần về Nam. Như là một định mệnh oan nghiệt, cả nước bị ém chặt và bức tử theo ván bài chiến lược quốc tế được quyết định từ ngoài cương thổ Việt Nam. Hoa Kỳ làm ngơ, thế giới cúi mặt trong lúc lãnh thổ miền Nam lần lượt lọt vào tay quân đội chính quy Bắc Việt. Quảng Trị mất, kế đến là Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Cao Nguyên, Nha Trang, Phan Thiết… Và rồi đầu tháng Tư 1975, mặc dầu bị Sư Đoàn 18 Bộ Binh của tướng Lê Minh Đảo cầm chân quyết liệt tại Long Khánh suốt 12 ngày đêm, Bắc quân lại tiếp tục tràn về ven biên ngoại ô Sài Gòn.

Quân ta cứ rút, cứ rút. Vũng Tàu, những ngày cuối tháng tư năm 1975, một trong những phần thân thể còn lại của Tổ Quốc, cũng đang lên cơn sốt hốt hoảng và náo động. Dòng người di tản, cả lính lẫn dân, đổ về Vũng Tàu từ cả hai mặt, đường bộ cũng như đường biển. Vũng Tàu chênh vênh bên bờ nước, tuyệt vọng, cùng đường. Ngày 26 tháng 4, quân đội miền Bắc tấn chiếm Biên Hoà, Bà Rịa, sau đó, cầu Cỏ May nối liền Bà Rịa và Vũng Tàu bị giật sập. Vũng Tàu co ro trong thế cô lập, chờ chết.

Trường Thiếu Sinh Quân, mặc dù toạ lạc ngay cửa ngõ của thị trấn, nhưng bị ngăn cách bởi những vách tường đá kiên cố bao quanh, những giao động âu lo, tuyệt vọng từ một Vũng Tàu hỗn loạn đã không lọt được vào trường. Các Thiếu Sinh Quân vẫn sinh hoạt đều đặn như mọi ngày. Thiếu Sinh Quân liên lớp 12 (lớp người viết), đang trong thời gian học thi tốt nghiệp, vẫn cắm cúi miệt mài với bài vở. Trong thời gian này, phần lớn các Thiếu Sinh Quân lớp nhỏ cư ngụ ở các vùng Sài Gòn, các tỉnh vùng 3 và vùng 4 đã được nhà trường cho về với gia đình. Các Thiếu Sinh Quân ở vùng 1 và vùng 2 phải ở lại trường do tình hình chiến sự rối ren hay đã mất vào tay Bắc quân. Không khí nhà trường vì thế càng tăng vẻ yên tĩnh, nặng nề. Cái nặng nề và yên tĩnh đó trở nên ngột ngạt và căng thẳng dần khi chúng tôi nhận ra những nét lo âu, bức xúc trên gương mặt của các cán bộ, nhân viên cơ hữu của trường.

Ngày 28 tháng 4, chúng tôi được lệnh tập họp sau bữa ăn chiều. Trung Tá Ngô Văn Dzoanh, Chỉ huy trưởng, thông báo tình hình khẩn cấp, ban hành lệnh giới nghiêm và tuyên bố:

- Các em không có gì phải rối loạn, lo âu. Nhà trường đã có kế hoạch di tản!

Mặc dù còn trẻ, nhưng chúng tôi đã cảm thức cái nguy cơ, cái bất thường, tuyệt vọng của tình hình đất nước trong những ngày qua, nên dù đã được chỉ huy trưởng trấn an, chúng tôi cũng đã phải trải qua một đêm mất ngủ. Tổ quốc, tương lai, gia đình, bè bạn và ngôi trường thân yêu này ngày mai sẽ ra sao? Chúng tôi trằn trọc đến sáng, khi mặt trời lên, trên gương mặt của đám Thiếu Sinh Quân chúng tôi, ai cũng hiện lên những nét lo âu, sợ sệt của đám gà con đang bối rối chui rúc dưới lông cánh gà mẹ trong lúc diều hâu đang lờ lững lượn trên vòm trời .

Khung trời rộng dường như nhỏ dần lại trên khoảng không gian trường Thiếu Sinh Quân sáng ngày 29 tháng Tư, cùng lúc những lo âu của anh em lại trương lớn dần và căng thẳng thêm. Bỗng chợt âm thanh của đạn trọng pháo từ đâu xé gió rít qua không gian… và Ầm! Ầm! Tiếng nổ ù tai của những viên đạn rớt vào chân núi đài viba ngay đằng sau lưng trường.

Đại Úy Lê Viết Đắc, cán bộ tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn Hùng Vương, liên lớp 12, rút súng ra khỏi vỏ, chạy ngược xuôi ra lệnh cho các Thiếu Sinh Quân nằm sát xuống đất để tránh miểng đạn. Trong bối cảnh của tiếng những mảnh đất đá rơi xào xạc trộn lẫn âm thanh vang dội của đạn trọng pháo, ông như một con gà mẹ đang dáo dác bảo vệ đàn con. Không biết mục tiêu của những viên trọng pháo đó là ai, là trường Thiếu Sinh Quân hay là đơn vị đồn trú tại đài viba gần trường, nhưng âm thanh của tiếng đạn nổ và cảnh núp đạn lần đầu tiên kể từ ngày vào trường đã gieo cho những đầu óc còn non nớt chỉ biết ăn, học và chơi của chúng tôi cái cảm giác kỳ lạ, hoang mang, lo sợ về sự sống và sự chết.

Chúng tôi vẫn nằm yên. Địch pháo thêm vài đợt, đạn rơi bên ngoài trường, sau đó rồi im. Tình hình yên tĩnh trở lại.

Khoảng 11 giờ trưa, trong cái cảm giác hụt hẫng, hoang mang, toàn trường như bất động lắng nghe tiếng Đại Úy Hoàng, cán bộ liên đoàn trưởng, thông báo qua loa phóng thanh:

- Toàn trường chuẩn bị di tản! Các thiếu sinh quân cấp trưởng trang bị vũ khí và nhận nhiệm vụ hướng dẫn và bảo vệ đoàn quân. Tập họp kiểm điểm quân số! Chuẩn bị lên đường khi có lệnh.

Thế là hết ! Cơn bão lịch sử sắp tràn qua ngôi trường thân yêu đầy những kỷ niệm của tuổi thơ. Lệnh ra được tuân theo răm rắp. Khoảng xế một giờ trưa, toàn thể Thiếu Sinh Quân bắt đầu di chuyển khỏi nhà trường cùng với tất cả cán bộ, nhân viên. Đoàn di tản bắt đầu rời trường theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Là Thiếu Sinh Quân tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn Hùng Vương, liên lớp 12, tôi đi hàng đầu cùng các em nhỏ. Đội ngũ Thiếu Sinh Quân lặng lẽ di chuyển dưới ánh nắng Vũng Tàu chói chang. Đa số anh em là những đứa trẻ mất cha, mất mẹ trong chiến tranh, ngôi trường Mẹ Thiếu Sinh Quân trở thành tổ ấm đầu đời và tương lai, nay phải đoạn lìa, phải ra đi, những trái tim non đã bước đi những bước bùi ngùi, vương vấn. Đi về đâu? Với ai?

Thông báo toàn trường sẽ được di tản bằng tàu không là câu trả lời trọn nghĩa cho những ý nghĩ mênh mang trong đầu những đứa trẻ chưa thành người lính. Đi được nửa đường thì đột nhiên chúng tôi bị một số binh sĩ Thuỷ Quân Lục Chiến chặn lại. Trung tá Dzoanh đến tiếp chuyện với người chỉ huy toán lính. Chúng tôi không rõ nội dung cuộc nói chuyện, song thấy không khí và sắc mặt của cả hai bên đều lộ vẻ căng thẳng. Qua tiếng được, tiếng mất, chúng tôi đoán Thuỷ Quân Lục Chiến đã chiếm giữ bến cảng để họ di tản. Họ buộc chúng tôi phải quay trở lại trường. Cuối cùng, lệnh quay về trường được ban xuống.

Trên đường về, tâm hồn của tất cả mọi người đều trĩu nặng. Bắc quân càng lúc càng sát nách, đường thoát bị tắt nghẽn, sinh lộ càng lúc càng hẹp dần. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều thấy cái cơ may được di tản thật là mong manh. ttsqvn22

Về đến trường, chúng tôi được tập trung ở sân banh. Chỉ huy trưởng thông báo là kế hoạch di tản được thay đổi. Theo kế hoạch này, chúng tôi sẽ được bốc tại trường bằng trực thăng để đưa ra Hạm Đôi 7 ở ngoài khơi Vũng Tàu. Thời gian như chậm lại trong giây phút chờ đợi nặng nề. Cả đám chúng tôi cùng bật dậy như những chiếc lò so khi thấy một chiếc trực thăng đáp xuống sân trường. Niềm hy vọng lại nhen nhúm bốc lên cùng đám bụi mù tung cao theo cánh quạt. Hành khách của chuyến không vận đầu tiên này gồm một cố vấn Mỹ mặc thường phục, Trung Sĩ 1 Ngộ, cán bộ trường, và 7 em Thiếu Sinh Quân thuộc Tiểu Ðoàn Quang Trung, là liên lớp nhỏ nhất của trường.

Chuyến bay cất cánh rời khỏi vận động trường. Chúng tôi thẫn thờ tìm chỗ ngồi chờ đợi. Thời gian ngóng đợi kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ mà chúng tôi có cảm tưởng như là một thế kỷ. Anh em nhìn lên bầu trời xanh chờ bóng dáng của chiếc trực thăng, chờ âm thanh của những cánh quạt. Chiếc trực thăng cứu tinh ngày càng biền biệt tăm hơi khi buổi chiều càng lúc càng ngả bóng dần trên sân trường. Nhìn lên cột cờ, lá cờ vàng ba sọc đỏ của Tổ Quốc vẫn còn tung bay. Nhìn xuống sân trường, đoạn trường, ngao ngán.

Khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi sững sờ nhìn chiếc xe chở Trung tá Chỉ huy trưởng lăn bánh vội vàng rời khỏi cổng trường. Trái tim nghẹn đắng một nỗi uất ức kèm theo một nỗi chới với hoảng hốt của một đứa bé lạc mẹ giữa buổi chợ đông nghẹt những người. Loa phóng thanh một lần nữa xác định một thực tế phũ phàng:

- Kể từ giờ phút này, chúng tôi không còn trách nhiệm với các em nữa, các em hãy tự lo lấy bản thân!

Thế là quá rõ. Chúng tôi đã bị bỏ rơi. Ngôi trường này là nhà. Các cán bộ là người thân. Giờ đây chúng tôi biết phải làm gì, biết đi về đâu. Thế là như một bầy ong vỡ tổ, chúng tôi tung ra tản mát chạy khỏi trường. Chạy đi đâu? Chẳng biết ! Tại sao chạy? Chẳng hiểu! Thấy bạn bè chạy thì mình cũng chạy. Thế thôi!

Tôi và Nguyễn Lương Thịnh, biệt hiệu Thịnh nhóc (hiện ở tại Việt Nam), cùng chạy chung. Tay cầm súng, tay gạt các nhánh sậy che phủ con đường mòn sau núi, chúng tôi chạy hộc tốc như bị cọp đuổi sau lưng. Chúng tôi ra tới Bãi Trước và nhận ra tình trạng náo loạn ngoài đường phố, tiếng đạn nổ tứ tung, dân chúng ai cũng đóng chặt cửa, trốn trong nhà. Thật không khác một đám loạn kiêu binh

Tôi thấy ở phía trước mặt, cách chỗ tôi đứng khoảng 200 thước, một Thiếu Sinh Quân cũng cầm súng như tôi bị một người lính, không biết là ta hay địch giả dạng, hành hung và giật lấy khẩu súng của em. Tôi không hiểu vì sao. Hoảng hốt tôi và Thịnh vội vàng vất súng và quay ngược chạy trở về trường. Trong phút giây này, có lẽ chỉ có trường tạm thời còn là tổ ấm dung thân. Mệt và khô cổ đến đắng họng. Chẳng hiểu sao chúng tôi lại có thể chạy liên tục từ trường ra bãi trước và từ bãi trước trở về trường như vậy.

Về đến gần trường, tôi chợt nhớ ra gia đình người bạn cùng liên lớp là Tô Trích Long Vân. Cha của Vân là Thiếu Úy Tô Trích Mầu, một cán bộ của trường. Gia đình của Vần nằm trong khu gia binh gần trường. Thế là chúng tôi chạy đến gõ cửa xin tạm náu. Bố mẹ Vần dọn cơm cho chúng tôi ăn. Mẹ Vần nhìn Thịnh và tôi đang ngấu nghiến ngồi ăn với ánh mắt xót thương, trìu mến. Tôi không bao giờ quên được ánh mắt của bà. Có lẽ bà đang nghĩ tội nghiệp cho hai đứa chúng tôi.

Là những bạn học cùng lớp, Vần còn có gia đình ruột thịt ở bên cạnh, hai đứa chúng tôi thì tứ cố vô thân, không biết sẽ trôi dạt về đâu trong cơn biến loạn. Xong bữa cơm, nhìn ra ngoài trờI, đêm đen đã trùm kín không gian tự lúc nào. Căn nhà như thu mình trong nỗI lo âu. Mọi người cứ ngồi nhìn nhau chẳng ai nói một lời.

Trong lúc mọi người đang chìm đắm trong những suy tư riêng, tôi bỗng nghe tiếng loa phóng thanh từ trong trường vọng lại:

- Các anh Thiếu Sinh Quân lớp lớn xin trở về trường! Chúng em cần các anh lắm.

Tiếng gọi của em nhỏ Thiếu Sinh Quân vang vọng trong màn đêm, thúc bách não nuột như tiếng kêu chim chíp của gà con mất mẹ, làm cho tôi vô cùng xốn xang, bức xúc. Các em chẳng có nơi nào dung thân, chỉ còn biết trông cậy vào các anh lớn đùm bọc. Là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn lớp lớn nhất, tôi nhận ra trách nhiệm của mình. Tôi không thể ngồi yên khi nghĩ đến bạn bè và đàn em đang ở trong trường. Có thể lúc này Bắc quân đã có mặt đâu đó gần Vũng Tàu hay quanh trường, nhưng tiếng gọi loa đã khiến tôi phải đứng lên và cương quyết trở lại trường với các em. Bố Mẹ Vần lo lắng khuyên chúng tôi đổi ý. Tôi cám ơn Bố Mẹ Vần và nói trước khi cùng Thịnh phóng vào đêm tối:

- Tụi con không thể bỏ các em được!

Về đến trường, các bạn cùng liên lớp với tôi như Lâm A Sáng, Phạm Ngọc Trình, Nguyễn Văn Minh cũng đã có mặt. Tôi nhận thấy các bạn đã phá cửa kho vũ khí của trường và đang hì hục khuân vác súng đạn ra các ổ canh gác. Một toán các Thiếu Sinh Quan khác thì đang xả thịt một con bò, lui cui nấu cơm và luộc thịt. Thế là tôi vớ lấy một cái nón sắt, chụp một khẩu carbine cùng với Thịnh, cũng trang bị y hệt, lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Hai đứa chúng tôi tự xem trách nhiệm tổ chức canh gác như nhiệm vụ được anh em giao phó.

Nhìn lên bầu trời đen thẳm với nỗi cô đơn chợt đến, chợt đi, tôi suy nghĩ lan man với một bài toán không đáp số. Vì trách nhiệm của anh lớn bảo bọc đàn em, chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc chiến. Cuộc chiến này sẽ đi về đâu ? Chúng tôi không biết. Tương quan lực lượng nghiêng lệch ra sao? Chúng tôi chẳng cần bàn. Không ai trong chúng tôi tin là mình sẽ chiến thắng, nhưng chúng tôi vẫn sẽ chiến đấu, ít nhất chúng tôi cũng phải đánh trả đích đáng những ai muốn chiếm lấy ngôi trường này, nơi dung thân cuối cùng của chúng tôi.

Tôi và Thịnh vác súng đi một vòng toàn trường. Thăm các chốt và các chòi canh. Các chốt canh gác các hướng xâm nhập chủ yếu đều được trang bị vũ khí cộng đồng với xạ thủ, phụ tá xạ thủ và nhân viên tiếp đạn. Nhìn những Thiếu Sinh Quân đàn em chững chạc, tự tin bên những ổ súng, thành thạo nạp những băng đạn vào súng, sẵn sàng khai hoả, tôi bỗng thấy các em chợt lớn lên như những anh hùng Phù Đổng. Tôi đặt mật khẩu dặn các chốt canh phải học thuộc, nếu thấy bóng người thì lên tiếng hỏi. Trả lời không đúng mật khẩu là “quạng” liền lập tức. Toàn trường đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.

Sau khi dạo vài lần, nhận thấy các chốt canh đã được chuẩn bị đạn dược chu đáo, mật khẩu thông thuộc, tất cả mọi người đều được phân phát khẩu phần đầy đủ. ( Nhìn càng bạn “chén” bữa cơm nửa khê, nửa sống một cách ngon lành, tôi có cảm giác bữa cơm hôm nay có lẽ là bữa cơm ngon nhất kể từ ngày nhập trường của các bạn.)

Tôi và Thịnh quay lên phòng làm việc của chỉ huy trưởng nghỉ dưỡng sức. Lúc này Thịnh quá mệt, chẳng còn tha thiết gì nữa. Cậu ta chui ngay vào một góc và chỉ vài phút sau là đã bắt đầu “kéo đờn cò.” Ngoài trời đêm đen thật thanh vắng, tôi ra ngoài đứng trên ban công nhìn qua trại gia binh bên cạnh, tự hỏi không biết gia đình Vần đang làm gì và nghĩ đến ánh mắt yêu thương của Mẹ Vân nhìn hai đứa tôi khi ăn cơm với linh cảm mình sẽ không bao giờ có lại được bữa cơm đó.

Nhìn qua lầu 2 phòng quân số, tất cả đều yên tĩnh. Tôi biết một số quá mệt, chắc cũng đã “hồn bướm mơ tiên,” tuy nhiên hẳn cũng đã phân công thay phiên nhau ngủ. Những con gà con rối loạn chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ nay đã trở thành những con mãnh hổ đang nằm phục sẵn. Không ai có thể ngờ được sức mạnh của những con mãnh hổ này lợi hại đến nhường nào.

Tôi quay lại phòng chỉ huy trưởng, và ngủ thiếp đi tự lúc nào không hay. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang ở nhà quây quần cùng với cha mẹ và anh em. Hai đứa em gái của tôi, bấy giờ mới được 7 và 8 tuổi, đòi tôi dẫn đi chợ. Hằng năm, mỗi lần được về phép thăm nhà, anh em chúng tôi, như đã thành thông lệ, thường được cha mẹ cho tiền. Hai cô em gái của tôi thì rất thích ăn yaourt. Ở chợ gần nhà có quán của bà Ba, yaourt của bà làm thật là ngon tuyệt. Thế là ba anh em chúng tôi lại đến vòi mẹ xin tiền rồi mỗi đứa một bên, tôi dắt hai em đi chợ. Đi gần đến chợ thì… một em Thiếu Sinh Quân lay tôi dậy. Tôi mở mắt thấy trời hừng sáng. Em nói:

- Anh Dũng ! Có lính đông lắm, đang đi về phía mình!tsq-27

Tôi bật dậy, nhảy ngay ra ban công nhìn về hướng đại lộ độc đạo dẫn vào cổng trường. Trời đang mưa lâm râm, còn mờ mờ tối, cảnh vật rất yên tĩnh. Tôi chẳng nhìn thấy gì và nghĩ cậu bé lay mình dậy chắc vì hoảng sợ nên tưởng tượng, trông gà hoá cuốc. Sắp sửa quay lưng trở về chỗ nằm thì tôi chợt nghe tiếng oang oang của Hạ Sĩ Hoành, các anh em đặt biệt hiệu vui là Hoành heo. Anh Hoành là hạ sĩ quan cán bộ hỏa đầu vụ. Tôi ngạc nhiên với sự hiện diện của Hạ Sĩ Hoành, chẳng biết Anh nhập cuộc từ bao giờ. Hạ sĩ Hoành bảo chúng tôi:

- Tụi bay ở đó đi! Chắc là lính mình đó ! Để tao ra coi thử!

Cùng đi với hạ sĩ Hoành là Nguyễn Văn Thành liên lớp 12 và một Thiếu Sinh Quân nữa tôi không biết tên. Đến lúc đó tôi mới phát hiện có môt nhóm người lố nhố ở tít đằng xa đang tiến dần về phía chúng tôi. Tôi đứng trên lầu căng mắt theo dõi và dặn anh em chuẩn bị sẵn sàng cho mọi bất trắc. Đột nhiên, tất cả chúng tôi đều nghe tiếng hạ sĩ Hoành la lớn:

- Việệt Cộộộng!

Tiếng hô vừa dứt thì lập tức tất cả hỏa lực đặt sẵn ở lầu 1 phòng quân số, phòng chỉ huy, các khu vực tháp canh nhất tề khai hoả yểm trợ cho đồng đội chạy trở vào trường. Bắc quân chắc không thể nào ngờ họ lại được đón tiếp một cách “nồng hậu” như vậy. Suốt khoảng thời gian gần 15 phút, hoả lực từ trong trường dập ra thật dữ dội. Bắc quân bị tấn công bất ngờ, chui rúc tìm chỗ tránh đạn, chỉ nghe rời rạc vài tiếng AK bắn trả. Có lẽ họ nghĩ trường Thiếu Sinh Quân đã di tản và bỏ trống. Những phút giây khai hoả dữ dội ở cổng trường đã làm cho tất cả lực lượng chiến đấu còn lại của trường tỉnh táo và sẵn sàng ở vị trí ứng phó 5/5.

Bên ngoài trường, hẳn là đồng bào đã choàng thức và ngạc nhiên, lo âu, nhìn về hướng trường Thiếu Sinh Quân. Một buổi sáng họ không bao giờ quên. Trong trường, anh em di chuyển nhộn nhịp hẳn lên. Tôi nhìn thấy Lâm A Sáng (hiện đang định cư tại Seatle, Washington ) và Phạm Ngọc Trình (đã chết ở Việt Nam) chạy lúp xúp sang ban quân số, đứa vác súng, đứa vác đạn. Đến ban quân số, tầng trên đã chật ních những xạ thủ, Sáng và Trình phải nằm thủ ở bậc cầu thang. Thoắt một cái khẩu trung liên Bar của Sáng và Trình đã sẵn sàng tham gia cuộc chiến. Súng vẫn còn nổ giòn giã thì Hoàng Văn Mạ đang thủ khẩu đại liên trên lầu gào lớn:

- Ê, tụi bay! Bắn cho chính xác và vừa thôi, coi chừng hết đạn nghe!

Tiếng gào của Mạ, như thể một mệnh lệnh, khiến cho tất cả các khẩu súng đều ngừng khạc lửa. Khói súng mịt mù. Mùi thuốc súng nồng nặc. Tai tôi lùng bùng vì tiếng đạn tưởng rách màng nhĩ. Xa xa ngoài cổng trường, các bóng Bắc quân biến đi đâu mất. Bên trong sân trường và các ổ chiến đấu thì hết sức tĩnh mịch, cái yên tĩnh rùng rợn của một hứa hẹn đổ máu thật dễ sợ mà lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm thấy. Tôi đoán Bắc quân thế nào cũng sẽ tấn công để chiếm trường. Tôi cũng biết quyết tâm của những tay súng Thiếu Sinh Quân liều lĩnh. Chúng tôi lúc này như đã ở vào thế cận chân tường, chiến đấu trong tâm trạng “điếc không sợ súng” và ý nghĩ “không còn gì để mất!”

Bên ngoài, trời đã bắt đầu rạng sáng. Trấn tĩnh đội hình, Bắc quân bắt đầu tấn công chiếm trường. Họ cho một toán quân tiến qua khách sạn đối diện trường ở bên kia đường và chiếm giữ các vị trí trên các tầng lầu nhằm giảm lợi thế của chúng tôi khai hoả từ trên cao. Một mặt, họ đưa hỏa lực mạnh như súng cối, súng phóng lựu, B-40 để công phá chúng tôi từ mặt đất, vì với vị trí phòng thủ kiên cố, hoả lực nhẹ của họ không có tác dụng uy hiếp được chúng tôi.

Cuộc chạm súng đợt hai khởi diễn với quả đạn pháo của Bắc quân rớt vào giữa sân banh sau lưng chúng tôi. Lần đầu tiên bị pháo giữa sân trường, lẽ ra phải nằm xuống tránh miểng đạn, một số các em hoảng sợ chạy tán loạn tìm chỗ che lưng, cũng may là không ai bị trúng thương. Tiếp theo là một phát B-40 thổi tung cổng trường, một em Thiếu Sinh Quân, có lẽ thuộc liên lớp 9 hoặc 10, chạy ra kéo cửa đóng lại. Vừa đóng xong, em chạy qua nấp bên bức tường đá phía phòng chỉ huy. Tất cả sự việc xảy ra trong vòng không đầy một phút, em vừa kịp lách mình vào thành đá là một quả B-40 thứ hai nốI tiếp một lần nữa mở toang cổng trường. Giỡn mặt với tử thần như vậy cũng tạm đủ. Từ giờ phút đó chẳng ai “thèm” chạy ra đóng cửa nữa. Nhìn rõ mặt, đánh nhau mới “sướng!”

Mặc dầu có những lỗi lầm ngu ngơ của lần đầu tiên trong đời đối mặt với kẻ thù như vừa kể, cuộc chạm súng đợt hai đã diễn ra thật dữ dội. Đối phó với địch quân trên tầng lầu khách sạn, Phú Văn Đại cầm khẩu M-79 bắn trực xạ vào các ô cửa phòng khách sạn. Chẳng hiểu hắn luyện tập khi nào mà xử dụng vũ khí rất chuyên nghiệp. Bắc quân bị khốn đốn rất nhiều với anh chàng này. Đối phó với toán quân trên bình địa là các khẩu đại liên phối hợp với các khẩu trung liên, tiểu liên thay phiên bọc lót cho nhau. Những tràng đạn giòn tan đủ âm độ được tô điểm bởi những phát nổ cầm chừng của các khẩu garant nhịp nhàng ăn ý, lâu lâu lại có tiếng dậm đậm đà của cây phóng lựu M2. Tất cả các âm thanh quyện lại như một giàn nhạc giao hưởng điêu luyện và biến thành một lướI đạn chằng chịt phủ xuống đầu đốI phương.

Với quân số hơn một tiểu đoàn chính quy Bắc Việt, đối phương dồn hoả lực cố gắng tạo kẽ hở để vượt lên tiến đến gần chúng tôi. Nhưng với vị trí thuận lợi và những tay súng gan lì không hề nao núng trước làn đạn kẻ thù, các em nhỏ Thiếu Sinh Quân đã buộc Bắc quân phải bó tay, dậm chân tại chỗ suốt hơn một giờ chiến đấu.

Đến khoảng 7 giờ sáng, từ bên phòng chỉ huy trưởng, tôi chạy băng qua phòng quân số để theo dõi việc tiếp đạn cho các khẩu đại liên đặt tại đó. Qua hai cánh cổng mở toang, tôi thấy một bộ đội cộng sản đang đặt khẩu phóng lựu trên vai nhắm thẳng ngay tôi. Tôi bật ngay khẩu carbine trên tay hướng về hắn bóp cò. Cùng lúc, viên đạn từ nòng súng của hắn cũng xẹt ánh sáng xanh bay về phía tôi. Chệch qua mặt tôi khoảng hai gang tay, viên đạn trúng đài biểu tượng Nhân Trí Dũng phá tan một mảnh đá lớn.

Ngay lúc đó, tôi cảm thấy hoa mắt, chân và vai tê rần. Khuỵu xuống vớI chân phải bị trúng thương, tôi liếc nhìn xuống chiếc áo sơ mi đang mặc loang lổ đầy máu tươi. Một thoáng tích tắc ngạc nhiên không hiểu tại sao áo mình đầy những máu mà không cảm thấy một chút đau đớn gì thì tôi ngã ra ngất xỉu. Trong lúc đó Lâm A Sáng cũng bị một phát đạn vào chân. Lê Văn Tánh (còn ở tại Việt Nam) chạy lại băng bó cho Sáng, một lúc sau cũng lãnh một viên đạn vào đùi.

Thế là Phạm Ngọc Trình cõng Lâm A Sáng, Nguyễn Văn Minh cõng tôi chạy qua khu Văn hoá. Nghe kể lại, hai Thiếu Sinh Quân đã dùng tấm drape giường làm võng khiêng tôi đang mê man ra đến bệnh viện Vũng Tàu cách trường vài cây số.

Các anh em Thiếu Sinh Quân ở lại vẫn tiếp tục chiến đấu mãi cho đến gần 10 giờ sáng. Khi ấy đạn dược đã gần cạn, các bạn mới quyết định gọi loa điều đình ngừng bắn và treo cờ trắng đầu hàng. Một sự đầu hàng trong danh dự vì các em vẫn đường hoàng làm lễ hạ Quốc kỳ và thay vào đó bằng tấm drape trắng dong lên cho phép Bắc quân đặt chân vào ngưỡng cửa ngôi trường yêu dấu. Bắc quân hẳn phải bàng hoàng khi thấy những đối thủ kiêu hùng của họ chỉ là các em Thiếu Sinh Quân tuổi trung bình 15, 16 mà thôi. Họ uất ức, nhưng chắc hẳn cũng phải thán phục các tác giả của 6 xác bộ đội đang nằm phơi nắng ngoài cổng trường.

Theo lời thuật lại của Lâm A Sáng, thì trong hơn 100 Thiếu Sinh Quân tham gia trận đánh, đa số đã leo rào sau trường trốn thoát trước khi Bắc quân xông vào cổng trường, chỉ còn vài chục em nhỏ ở lại với các anh lớn bị thương không thể đào thoát. Tất cả bị bắt giữ đem nhốt qua trại gia binh Cô Giang bên cạnh trường. TrạI Gia Binh Cô Giang vốn là ngõ ngách quen thuộc của các Thiếu Sinh Quân. Kết quả là tất cả đã chui rào biến mất, khiêng luôn cả Lê Văn Tánh bị thương nặng ở đùi theo. Nhốt Thiếu Sinh Quân ở Trại Cô Giang chẳng khác nào thả hổ về rừng.

Trở lại phần tôi, tỉnh dậy trong bệnh viện Vũng Tàu thì trời đã tối. Chân và vai đau đớn vì miểng đạn, mặt thì sưng vù không há miệng được do vết thương ở bên má. Cho đến bây giờ, hơn 27 năm sau, ngồi viết đến đoạn này tôi vẫn không ngăn được niềm xúc động và tự hào cho tình yêu thương lẫn nhau hiếm có của những con người Thiếu Sinh Quân.

Bệnh viện đầy ngập những người bị thương. Nhân viên y tế không đủ để chăm sóc. Tôi bị bỏ nằm trên nền đất lạnh cả đêm chẳng có y tá nào ngó ngàng tới. Chỉ có một em Thiếu Sinh Quân lớp 9 mà mãi đến 27 năm sau, tình cờ do một duyên may tôi mới được biết tên, là Nguyễn Kim Hùng (hiện cư ngụ tại Oklahoma), đã ở lại chăm sóc cho tôi. Em thức suốt đêm cạy miệng đổ sữa cho tôi cầm sức và quanh quẩn bên tôi để giúp đỡ. Đến sáng hôm sau thì một đám bạn cùng lớp gồm Thịnh nhóc, Thành râu (hiện định cư tại Minnesota), Thiện huế và vài anh em nữa tôi không nhớ tên đến bệnh viện đón tôi đi. Các bạn rất vất vả thay phiên nhau cõng tôi đi mãi đến khi trời chập choạng tối thì chúng tôi mới về đến Bà Rịa. Nghỉ ở Bà Rịa một đêm, sáng hôm sau, chúng tôi lại dìu dắt nhau tìm phương tiện để trở về thành phố.

Lịch sử đã sang trang. Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Trường Thiếu Sinh Quân ngày nay đã trở thành trụ sở của một công ty dầu khí ở Vũng Tàu. Tuy nhiên, trong lòng những người dân xứ biển, hình ảnh hào hùng của các Thiếu Sinh Quân trong trận đánh giữ trường lịch sử mãi mãi sẽ không bao giờ phai nhạt. Tổ quốc sẽ ghi danh trong quân sử những người con Thiếu Sinh Quân vũ dũng kiêu hùng đã viết nên thiên anh hùng ca bất khuất cho quân đội.

HẾT

CTSQ Nguyễn Anh Dũng và CTSQ Lâm A Sáng

Colorado, ngày 24 tháng 10 năm 2002

(Edited by Bắc Phong Sài Gòn/ K23 Thủ đức)


tsq30475-1

tsq30475-2

tsq30475-3tsq30475-4

tsq30475-5


MỘT CHÚT TÌNH RIÊNG
GỬI NGƯỜI CỰU THIẾU SINH QUÂN

Đào Vũ Anh Hùng

Bravenet Counter Stats
Powered by Bravenet
View Statistics
visitors


Đại hội kỳ thứ XII của Tổng hội Thiếu Sinh Quân được tổ chức tại thành phố Des Moines, tiểu bang Iowa vào ngày 2 tháng 7 năm 2000 đã quy tụ nhiều cựu Thiếu sinh quân khắp nơi, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, thuộc quân, binh chủng, ngành, nghề khác nhau từ mọi tiểu bang tại Hoa kỳ, cả từ Canada và Úc về tham dự.

Tôi là người ngoài tập thể Thiếu Sinh Quân đến với Thiếu Sinh Quân như một nguời khách được mời, cùng với hai người khách được mời khác là Liên Bích, nữ xướng ngôn viên đài phát thanh VBN đến từ Dallas, Texas, với phu quân Đào Chí Nhân tháp tùng. Đây là danh dự và cảm kích đối với chúng tôi, những thân hữu của anh em cựu Thiếu Sinh Quân, được Thiếu Sinh Quân dành cho cảm tình đặc biệt và ân cần mời đến.

Liên Bích được mời đến để đọc bài viết về cuộc chiến đấu bi hùng của hơn 700 thiếu sinh thuộc trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu vào những giờ phút hấp hối của miền Nam Việt Nam vào ngày 30-4-75. Giọng xướng ngôn điêu luyện và truyền cảm của Liên Bích đã một lần gây xúc động toàn thể cử tọa trong buổi lễ kỷ niệm ngày Quân lực 19-6, 1997 tại Dallas. Nhiều người hiện diện đã khóc khi nghe Liên Bích nghẹn ngào đọc “Bài Quốc Ca Hát Trên Đất Nước Ngày Cuối Cùng” hay “Cuộc Chiến Đấu Bi Hùng Của Thiếu Sinh Quân”, thiên anh hùng ca bất hủ do những người lính tuổi còn măng sữa đại diện quân lực VNCH tạo nên trong giờ phút hấp hối của miền Nam. Họ hiên ngang kháng cự, đương đầu với hai tiểu đoàn bộ đội chính quy cộng sản do tên tướng Song Hào chỉ huy, tấn công cứ điểm phòng ngự cuối cùng của tiểu khu Vũng Tàu. Cứ điểm đó là trường Thiếu Sinh Quân và Thiếu Sinh Quân quyết tâm tử thủ.

Tôi được mời đến để chia xẻ với anh em, nói cho anh em hiểu lý do tại sao, động lực nào thúc đẩy mà tôi đã viết lên bài viết làm mủi lòng cả những người chai đá? Tôi đến để giải toả thắc mắc và để nói lên mối tâm cảm sâu xa, bầy tỏ tâm tình và cảm nghĩ của một người quân nhân cầm bút, tuy không được danh diện xuất thân từ Thiếu Sinh Quân nhưng với Thiếu Sinh Quân, vốn từng mang nặng cảm tình và lòng ngưỡng phục. Chính cảm tình và lòng ngưỡng phục sâu xa đó đã khiến tôi rúng động, đổ rơi nước mắt khi đọc một đoạn tin ngắn ngủi vài ba năm trước, viết về cuộc chiến đấu bi hùng của hơn 700 Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu trong ngày cuối cùng, trong những giờ phút cuối cùng miền Nam thân yêu của chúng ta bị âm mưu bức tử.

Đoạn tin rất ngắn, chi tiết sơ sài nhưng đã giúp tôi hình dung ra được toàn vẹn bức tranh hoành tráng của cuộc chiến đấu dũng cảm, gan dạ, tạo nên kỳ tích mà tôi nghĩ, những hy sinh đó phải được nắn nót ghi trong quân sử và nắn nót ghi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam ta bất khuất. Tôi đọc bản tin, đắm chìm trong trạng thái bần thần hồi niệm, lòng tức tủi, đau quặn niềm thương sót những thiếu niên anh dũng, tóc còn xanh, tâm hồn non trẻ, nhưng đã làm chuyện phi thường, tạo nên chiến công kỳ vỹ trong giây phút cuối tang thương máu lệ. Những người Thiếu Sinh Quân nhỏ bé nhưng sự hy sinh thật vĩ đại, liều thân ôm giữ đến cùng tấm bia danh dự của quân lực, bảo vệ giá trị thiêng liêng của lá quốc kỳ và chiến đấu đến sức tàn lực kiệt. Nhiều em ngã xuống cùng vận số hẩm hiu đất nước. Họ chết, cho chúng ta được sống còn…

Tôi bùi ngùi xúc cảm trước tấm gương bi tráng đó. Và đưa trí tưởng bay về miền đất quê hương có tên là Vũng Tàu, vào buổi sáng ngày 30-4-75, nơi xảy ra cảnh “châu chấu đá xe”, xe nghiêng ngả! Tôi thấy diễn ra toàn cảnh trận thư hùng giữa những người chiến sĩ tí hon gan dạ và bầy lang sói. Những người Thiếu Sinh Quân đã chiến đấu hiên ngang, táo bạo và vô cùng ngoạn mục. Họ vững vàng tay súng, hớn hở xung phong và ngã xuống tươi cười. Như thể các em đang tham dự trò chơi Đinh Bộ Lĩnh, lấy cờ lau tập trận. Hay như hình ảnh ngày xưa đoàn quân quyết tử đánh thắng giặc Nguyên dưới ngọn cờ “Phá Cường Địch, Báo Hoàng Ân” của vị thiếu niên võ tướng anh hùng Trần Quốc Toản. Lòng tôi ngập những thương yêu và cảm phục… Tôi đã cầm lấy bút, say sưa hứng khởi vẽ lại bức tranh lẫm liệt và bi thảm đó. Tôi viết mà lòng trĩu nặng niềm thương tủi, nước mắt chảy ra dàn dụa.

Ngày xưa còn bé, tôi nhìn người Thiếu Sinh Quân cũng bé như tôi, như một hình tượng hết sức xa xôi nhưng cũng thật là gần gũi. Xa xôi, vì quả tình tôi không biết họ đến từ đâu - những chú bé đi ngoài đường phố từng nhóm nhỏ với đồng phục rộng thùng thình, mắt e dè bỡ ngỡ trước sinh hoạt phố phường… Hồi đó tôi thèm muốn được gia nhập Thiếu Sinh Quân nhưng không hiểu ai đã nhồi nhét vào đầu óc tôi ý nghĩ sai lầm, rằng muốn vào Thiếu Sinh Quân phải là con tử sĩ, và rằng chỉ có con tử sĩ mới được chính phủ nuôi ăn học để theo binh nghiệp. Gần gũi, vì tôi là Hướng Đạo, nhìn Thiếu Sinh Quân như nhìn một đoàn sinh Hướng Đạo - hơn cả Hướng Đạo - vì họ được huấn luyện quân sự. Tôi yêu những người Thiếu Sinh Quân mặc đồng phục từ ý nghĩ rất tự nhiên: Họ cũng như Hướng Đạo, sinh hoạt trong một đoàn thể chọn lọc và được tinh lọc, có tinh thần kỷ luật và ý thức đoàn thể, ý thức trách nhiệm, tình cảm xã hội cao - phải là những con người đàng hoàng, khí tiết, can đảm, yêu nước chân thành, sống gương mẫu và biết trọng danh dự…

Bài viết đó, tôi tưởng chỉ có tôi bi lụy, mỗi lần đọc lại, là thêm một lần đỏ hoe nước mắt vì u uất và thương cảm. Nhưng sau này tôi biết có rất nhiều người chia xẻ cùng tôi xúc cảm và niềm bi phẫn đó. Câu chuyện cuộc chiến đấu bi hùng của Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu đã được nhiều báo chí Việt ngữ đăng lại từ đặc san Lý Tưởng của Tổng hội Không Lực, được đưa lên Internet, được phát thanh ở nhiều nơi, được mọi người nhắc nhở... Tôi thấy vui vì việc làm của mình được biết đến và tâm cảm. Tôi muốn không những tất cả người Việt quốc gia chống cộng trên thế giới phải biết đến, mà cả nhân loại phải biết đến cái chiến công oanh liệt đó, biết đến sự hy sinh cao vợi đó của Thiếu Sinh Quân Việt Nam mà cúi đầu ngưỡng phục.

Tôi đã nhận lời và đến tham dự đại hội. Đã gặp những người cựu Thiếu Sinh Quân để có thêm một lần xúc động. Chúng tôi đến phi trường Des Moines nửa đêm ngày thứ Năm 29-6, được tiếp đón ân cần và tiếp đãi ân cần như bạn cũ, như anh em trong một gia đình. Tôi đã trải qua những phút giây choáng ngợp niềm vui của bất ngờ gặp lại anh em bằng hữu. Tôi chờ đợi và mong gặp lại những Đỗ Bưởi, Phạm Bá Mạo, Phạm Công Cẩn nhưng họ bận không về. Đổi lại, tôi có được cơ hội trùng phùng với những người bạn, qua mấy chục năm dâu bể, không bao giờ tôi ngờ có ngày hôm nay được gặp lại nhau và gặp tại đây, nơi thành phố nhỏ bé này. Như bất ngờ gặp lại Lâm Ngọc Chiêu - Lôi Hổ, Lai Đình Hợi - Biệt Kích 81, hai người cựu sĩ quan thuộc hai liên đoàn đặc nhiệm của những năm 69, 70, 71 tôi bốc đi nhảy toán từ B15, Kontum hay các trại biên phòng khi bay cho MAGSOC, thi hành những phi vụ đặc biệt, thả và đón biệt kích xâm nhập mật khu VC dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh hay vùng tam biên, vùng cao nguyên Bolovens ở hạ Lào… Gặp Chu Mạnh Bích, Không Quân, trước tôi một khoá đến từ Minnesota, sau 35 năm chia biệt. Gặp Hoàng Thanh Tùng, con trai bác sĩ Hoàng Văn Đức tức nhà văn Hoàng Vũ Đức Vân, chỉ huy trưởng đầu tiên ngành Quân Y của quân đội quốc gia VN. Tùng là em cố Đại úy Nguyễn Cao Hùng, cùng khoá với tôi, rất thân, phi công khu trục đã trúng hoả tiễn SA-7 rơi nổ đời mình tại An Lộc trong mùa hè đỏ lửa 72 mà tôi chứng kiến rõ ràng cái sát na khủng khiếp của cuộc hoá thân trên một toạ độ ở Suối Tàu Ô khi bay cùng cao độ… Đặc biệt, là cuộc gặp gỡ bất ngờ Thiếu tướng Lý Tòng Bá mà tôi đã có với ông một vài kỷ niệm nhớ đời. Thiếu tướng Lý Tòng Bá, cựu Thiếu sinh quân, thủ khoa khoá 6 Võ Bị, người hùng của mặt trận Kontum năm 72 với một sư đoàn bộ binh - Sư đoàn 23 - đã gây thảm bại cho hai sư đoàn Việt cộng của tên tướng Hoàng Minh Thảo, khiến sau này khi mất miền Nam, bị cầm tù và bị đem ra Bắc, Hoàng Minh Thảo và một số tướng cộng sản đã đến tận trại tù gặp tướng Bá hỏi cho ra lẽ tại sao trận thư hùng nào ông cũng thắng cộng sản, dù quân số ít hơn, dù yếu kém hơn hoả lực?…

Và còn nhiều nữa, như gặp lại Trung tá Hoà, TĐT Tiểu đoàn 1 TQLC, cựu TSQ. Gặp Trung tá Cang, TQLC và Trung tá Bảo, quận trưởng quận Dakto, Benhet. Tôi cảm động. Rất nhiều người mặc quân phục và tôi cũng mặc quân phục theo đề nghị ghi trên thiệp mời của ban tổ chức. Đa số là quân phục tác chiến của TQLC mà nhìn ngắm họ, tôi có cảm tưởng hôm nay họ vừa thoát xác, “trẻ” ra ít nhất 25 tuổi, tính từ buổi tan hoang đất nước!… Tất cả đều còn nguyên vẹn phong độ và dáng nét hiên ngang của 25 năm, 30 năm về trước. Những người đã tạo nên sức mạnh của quân lực VNCH, tạo nên bao chiến thắng lẫy lừng ở những mặt trận làm kinh mang cộng sản và rúng động dư luận thế giới. Như chiến thắng Mậu Thân ở Huế, như cuộc tái chiếm cổ thành Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972… Tôi nhìn ngắm họ mà bâng khuâng xúc cảm. Chúng tôi đã có một thời sống bên nhau, hay chiến đấu bên nhau, có cùng nhau những giây phút tang thương lẫm liệt, những ngày tháng lầm than nhưng cực cùng vinh hiển trong cuộc chiến dài thảm khổ vừa qua. Những người trai trẻ khoác trên người đủ màu áo lính, nhưng chung mang một lý tưởng, đã lầm lì chịu đựng và dũng cảm xông pha, đi những bước gian nan trên con đường quá khổ và quá nhọc nhằn - con đường đem lại vinh quang cho dân tộc mà thế hệ chúng ta đi hoài không tới đích...

Tôi đến Des Moines hai ngày trước hôm họp đại hội. Ở nhà cựu TSQ Nguyễn Minh Châu, không một đêm nào chợp mắt trước 2, 3 giờ sáng. Chúng tôi thức với nhau, làm việc, vui đùa, ăn uống và trò chuyện, thân tình. Trong hai ngày đó và trong ngày đại hội, tôi đã chứng kiến và xiết bao cảm động trước cái tình lâm lụy của người cựu Thiếu Sinh Quân. Tôi thấu hiểu, cảm thông, chia xẻ với họ, như chính mình mang trọn vẹn tâm tình và cảm xúc của một cánh chim Thiếu Sinh Quân lưu lạc nghe tiếng gọi đàn bay về đoàn tụ. Những cánh chim non của ngày nào mái tóc thanh ti đã nhuốm màu sương tuyết, ríu rít bên nhau, hoan lạc bầy tỏ tình thân ái. Họ như trẻ thơ, ồn ào, vui tếu, cười đùa, nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ Thiếu Sinh Quân! Anh và em. Thầy và trò. Ngày xưa và bây giờ. Quãng đứt thời gian được nối cho liền lại. Những mảnh vụn kỷ niệm thương yêu đằm thắm tự xa xưa cất giữ trong sâu thẳm buồng tim hôi hổi mỗi người, hôm nay mới được dịp hân hoan trải bầy ra, tíu tít cùng nhau chắp vá lại để cùng nhau ngậm ngùi chiêu niệm và bồi hồi ôn nhớ.

Quá khứ như mặt hồ nước trong phẳng lặng bỗng rộn lên những lượng sóng xôn xao. Họ kéo nhau về tụ hội, những người trai trẻ của ngày nào, hôm nay làm cuộc hành hương, như cuộc trở về của những chinh nhân, kiếm cung gác bỏ, bụi phong trần rũ sạch, nhung y xếp lại, mở rộng vòng tay ôm lấy bạn bè, tủi tủi mừng mừng trong phút giây hạnh ngộ. Họ ôm ghì lấy nhau, những bàn tay xiết chặt, rưng rưng ánh mắt nhìn cho tường tận nét phong trần tủi cực của nhau, hỏi han nhau nếm trải những gì trong những năm trường gai lửa? Điểm danh nhau xem ai còn ai mất? Ai ở lại? Ai đã ra đi? Ai từng bị tù đầy?… Họ có với nhau biết bao điều để nói và hôm nay gặp lại, đã nói ra cho hả.

Có câu “Không ai tắm hai lần trên cùng một giòng sông” - là nói về cảm xúc của con người ở một thời gian nào đó, không thể mang cùng cảm xúc như cảm xúc đã qua hay của lần sẽ tới, trong cùng chốn không gian. Nhưng với những người cựu Thiếu Sinh Quân, tôi thấy rõ ràng niềm vui toả sáng long lanh trong ánh mắt. Họ sống với nhau bằng hình ảnh và những âm thanh ngày cũ, thoả thuê tắm mát trong giòng sông dĩ vãng đầy nhớ thương tiếc tưởng. Buổi trưa 1-7, ngày picnic sinh hoạt ngoài trời, dưới những tàng cây của một công viên thành phố chan hoà ánh nắng, từng nhóm, từng bầy, những mối giây thân ái được quấn thắt cho chặt lại. Những cánh bèo trôi dạt mừng rỡ gặp lại nhau nơi cuối nguồn con nước, cuống quít, hớn hở bám vào nhau, rộn ràng, quyến luyến. Bạn bè vẫn là bạn bè cũ. Chuyện vẫn là những chuyện xưa. Có chuyện bắt đầu từ 30, 40 năm về trước, hôm nay vẫn nồng nàn chưa dứt. Tóc xanh tơ đã nhiều sợi bạc, dung nhan đã hoàng hôn, nhưng tâm tình và cảm xúc của họ vẫn còn nguyên vẹn tâm tình và cảm xúc thời niên tráng.

Trong đêm liên hoan mừng đại hội thành công và mừng họ đã bầu ra được một tân Tổng Hội Trưởng, tôi còn được nhìn thấy hình ảnh đẹp đẽ của thế hệ Thiếu Sinh Quân mới, hãnh diện trong bộ đồng phục ngày xưa của cha chú, nghiêm chỉnh đứng thành đội ngũ dưới cờ, đồng ca bài Thiếu Sinh Quân hành khúc. Ôi quả thực lòng tôi dịu dàng thương mến hình ảnh trong sáng đó. Tùng hỏi tôi nghĩ thế nào về thế hệ con em ở mai sau, “Em sợ rồi ra khi anh em mình không còn nữa…”. Tôi đã trấn an Tùng, nói tất nhiên cũng có phần mai một. Nhưng hãy tin đi, không thể mất hoàn toàn tinh chất ấy được đâu. Bởi vì ở thế hệ nào chăng nữa, cho dù cái cộng đồng này có tồi tệ thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn còn những tâm hồn khao khát thương yêu đất nước, không quên bản thể, không chối bỏ cội nguồn, vẫn muốn gìn vàng giữ ngọc cho hiến văn, tập tục và truyền thống Việt Nam. Nhất là con cháu những người lính VNCH. Bổn phận chúng ta là phải nói cho chúng nghe, phải nhắc cho chúng nhớ, phải kể cho chúng biết, phải tả vẽ cho chúng hiểu. Rằng Việt Nam mới là quê hương đích thực của chúng. Và rằng tổ tiên ta đã từng đem xương máu, mồ hôi và nước mắt tô bồi nên mảnh giang sơn cẩm tú ấy, đã hàng hàng lớp lớp hy sinh giữ gìn cho đất nước vẹn toàn trước ách ngoại xâm và trong cận đại, cha chú chúng đã hào hùng chiến đấu thế nào, đã hy sinh cao vợi thế nào để bảo vệ nền tự do dân chủ của miền Nam, nhưng cuối cùng bị bội phản phải bỏ nước ra đi nhưng lòng hoài hương trĩu nặng, vẫn ngày đêm mong ngóng vinh quang có một ngày về nhìn lại quê cha đất tổ…

Những thiếu niên con cháu đó là kế tục, là hiện thân của tinh thần và truyền thống Thiếu Sinh Quân anh dũng đã tạo nên huyền sử chiến đấu Vũng Tàu ngày 30-4-75, khiến địa danh này bất diệt, khiến ba chữ “Thiếu Sinh Quân” bất diệt.

Đào Vũ Anh Hùng
(Ngày 4-7, 2000)