Sunday, May 2, 2010

Duyen Anh-Máu Trung Tá CẢNH SÁT QUỐC GIA NGUYỄN VĂN LONG đã thấm xuống lòng đất mẹ

Giải Oan Cho QLVNCH


Máu Trung Tá CẢNH SÁT QUỐC GIA NGUYỄN VĂN LONG đã thấm xuống lòng đất mẹ


Duyên Anh


(Sài Gòn Ngày Dài Nhất)

http://baovecovang.files.wordpress.com/2009/05/trungtalong.jpg

Tôi không hiểu, trong Dinh Độc Lập, Dương văn Minh và bọn hàng thần lơ láo đến mức độ nào trước ống kính xấc xược của bọn phóng viên cộng sản và trước những câu hạch hỏi hỗn láo của bộ đội giải phóng cấp tá. Họ có nghe những tiếng súng danh dự, trách nhiệm, tổ quốc của lính văn nghệ diệt T-54 ở cầu Thị Nghè, của lính nhẩy dù cách cổng Dinh Độc Lập chẳng bao xa? Chúng tôi vào trung tâm thành phố. Dân chúng đang bu kín công viên dựng hai người chiến sĩ thủy quân lục chiến Việt Nam họng súng nhắm thằng vào Hạ Viện. Những chiếc loa gắn trên cây cao đã oang oang giọng nói mới chào mừng giải phóng miền Nam. Bài hát Tiến vào Sài gòn ta quét sạch giặc thù muốn rung chuyển thành phố. Nhưng trời vẫn thiếu nắng. Cộng sản đã tiếp thu Đài phát thanh, Bưu điện... Giọng nói cầy cáo của Lý Quý Chung và ca khúc Nối vòng tay lớn không còn nữa.


Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài của thủy quân lục chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá. ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây Cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm trung tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lởi hoan hô bộ đội giải phóng.

Trung tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết. Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng trấn Sài gòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sài gòn là Đô trưởng Sài gòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia đã đào ngũ. Không có Hoàng Diệu, ở những trạng lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhởn sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của trung tá Cảnh sát tên Long. Cộng sản đã chẳng ngu dại phong anh hùng, liệt sĩ cho quốc gia. Họ độc quyền anh hùng, liệt sĩ. Ở những cuộc đấu thầu anh hùng, liệt sĩ quốc gia tại hải ngoại, chưa thấy một nén tâm hương tưởng mộ trung tá Long. Có lẽ, liệt sĩ đích thật không lãi lớn bằng liệt sĩ giả vờ thế thì thời đại chúng ta đang sống là cái thời đại gì nhỉ? Nó không chịu, không thích vinh tôn cái thật, đã đành, nó còn nhởn chìm cái thật và vấy bẩn lên cái thật một cách thô bạo, ẩn ý và lạnh lùng. Khi cái thật bị nhận chìm, bị vấy bẩn, cái giả nổi bật, sáng giá và chói lọi, thơm tho. Như vậy, mọi giá trị về tinh thần, về đạo nghĩa bị nhởn chìm theo. Rốt cuộc, bọn giả hình sống với cái giả của chúng, huyễn hoặc mọi người bằng cái giả với bạo lực của quyền uy hợp pháp và cả quyền uy ảo tưởng hậu thuẫn. Và người công chính thụ động, buông xuôi. Cuối cùng, con cháu chúng ta sẽ chỉ biết liệt sĩ đất sét, anh hùng gian dối, vĩ nhân phường tuồng.



Tôi muốn biểu dương trung tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sài gòn. ông ta đang nằm kia, dưới chân tượng đài thủy quân lục chiến Việt Nam anh dũng. Máu trung tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ. Cái chết của trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng thì, ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc. Tôi không mấy hy vọng cái chết của trung tá Long lay động nổi cái bóng tối vô liêm sỉ trùm đặc tâm hồn những ông tướng đào ngũ. Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn trung tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của tổ quốc.


- Tôi chứng kiến tự phút đầu.


- Ông nói sao?


- Tôi nhìn rõ ông ta rút súng bắn vào thái dương mình.
- Thật chứ


- Đáng lẽ tôi phải nói dối.


- Tại sao?


- Vì nói thật lúc này không có lợi.


Tôi nghe hai người Sài gòn nói chuyện. Và tôi được nghe "Huyền sử một người mang tên Long" do một trong hai người kể. Truyện như vầy: 10 giờ 30, Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng, quân đội và cảnh sát tuân lệnh Tổng thống, lột quần áo, giầy vớ, nón mũ, vất súng đạn bỏ chạy về nhà mình hay nhà thân nhân của mình. Một mình trung tá Long không lột chiến bào, không phi tang tích huân chương, không liệng súng đạn. Trung tá Long từ nơi nào đến, chẳng ai rõ. ông xuất hiện ở công viên trước Hạ Viện hồi 12 giờ. Ngồi trên ghế đá, ông ta trầm ngâm hút thuốc. Rồi ông ta nhìn trước, nhìn sau, ngó ngang, ngó dọc. Rồi ông ta đưa tay ôm lấy đầu, cúi thấp. Khi ấy, Sài gòn đã ồn ào tiếng hoan hô cộng sản giải phóng. Bất chợt, ông ta đứng dậy, chậm rãi bước gần chân tượng đài. Trung tá Long đứng thẳng. ông ta ngẩng mặt. Thản nhiên, ông ta rút khẩu Colt, kê họng súng vào thái dương mình bóp cò. Tiếng đạn nổ trùm lấp tiếng hoan hô cộng sản. Trung tá Long đổ rạp.

http://img389.imageshack.us/img389/4682/canhsatatutubf7.jpg

- Đó, diễn tiến cái chết của trung tá Long.
- Ông có mặt ở đây trước lúc trung tá Long xuất hiện?


- Phải. Tôi tuyệt vọng, không thiết về nhà nữa
- Rồi sao?


- Dân chúng bu quanh xác trung tá Long. Cộng sản chưa có thì giờ kéo xác ông ta đi. Phóng viên truyền hình Pháp thu cảnh này kỹ lắm. Chỉ tiếc họ đã không thu được cái oai phong lẫm liệt của trung tá Long. Họ đến quá chậm và họ chỉ quay phim một xác chết. ông hãy nhìn cho kỹ. Trung tá Long tuẫn tiết cùng chiến bào, cùng cấp bậc, cùng tên mình.



Tôi đã nhìn kỹ. Lịch sử của chúng ta đã có những vị anh hùng chỉ có tên mà không có họ. Như Đô đốc Tuyết, Đô đốc Long... Hôm nay, chúng ta có thêm trung tá Long. Những ai sẽ viết lịch sử? Và liệu sử gia đời sau có soi tỏ niềm u ẩn của Trung tá Long chảy máu mắt nhìn quê hương lạc vào tay quân thù mà bất lực cứu quê hương, mà chỉ còn biết đem cái chết tạ tội quê hương, dân tộc. Đã hàng tỉ tỉ chữ viết về những chuyện khốn nạn, viết về những tên khốn kiếp, viết về những sự việc khốn cùng. Dòng chữ nào đã viết về Trung tá Long? Người ta đã viết cả pho sách dày cộm để nguyền rủa xác chết. Người ta cũng đã viết cả pho sách dầy cộm để suy tôn xác sống. Người ta ồn ào. Người ta vo ve. Dòng chữ nào đã viết về Trung tá Long? Ai đã làm công việc sưu tầm lý lịch đầy đủ của vị liệt sĩ đích thực này? Than ôi, lịch sử đã hóa thành huyền sử. Cho nên người ta nhìn quốc kỳ mà không cảm giác linh hồn tổ quốc phấp phới bay. Chúng ta đang bị sống trong cái thời đại của những ông tướng đào ngũ, của những ông tổng trưởng đào nhiệm không hề biết xấu hổ. Thời đại của chúng ta còn đòi đoạn ở chỗ, kẻ sĩ và kẻ vô lại đồng hóa trong "lý tưởng" nguyền rủa xác chết và suy tôn xác sống.


Xưa, Hàm Nghi 8 tuổi, hỏi cận thần:


- Tay bẩn lấy gì rửa? Cận thần đáp:


- Nước.


Hàm Nghi hỏi thêm:


- Nước bẩn lấy gì rửa?


Cận thần ngơ ngác:


- Tâu bệ hạ, thần không hiểu.


Hàm Nghi nói:


- Nước bẩn lấy máu mà rửa!



Trung tá Long đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Lính nhẩy dù đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Lính văn nghệ đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Những kẻ tạo ra ô nhục 30-4 lấy gì nhỉ? Họ đang cầm ca, cầm đĩa xếp hàng ngửa tay lấy cơm, lấy nước ở đảo Guam. Biết đâu chẳng xẩy ra tranh cơm như tranh quyền bính. Và biết đâu chẳng bị ông quân cảnh Mỹ đen tặng một vài cái tát xiếc! Những kẻ này vẫn thừa thãi vô liêm sỉ để họp bàn, hiến kết cứu nước. Lịch sử lại thêm vài phụ trang chó đẻ.



Giải phóng quân đã đổ đầy trước thềm Hạ Viện. Cỏ đuôi chó hoan hô tưng bừng. Dân chúng chiêm ngưỡng Trung tá Long tản mạn. Trung tá Long nằm nguyên chỗ ông ngã rạp cho máu rửa nhục Sài gòn. Giã từ liệt sĩ! Vĩnh quyết liệt sĩ. Xin hãy phù hộ tôi kéo dài cuộc sống hèn để có ngày được viết vài dòng về Trung tá.



Duyên Anh


1986


TƯỞNG NHỚ TRUNG TÁ CẢNH SÁT QUỐC GIA NGUYỄN VĂN LONG



Trung Tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết

trước trụ sở Quốc Hội VNCH

30 tháng 4 năm 1975

TRUNG-TÁ NGUYỄN VĂN LONG
CỘNG-SẢN chiếm được Miền Nam đã mười năm rồi mà tôi vẫn còn tiếp-tục bị chúng kêu lên, kêu xuống hỏi cung. Tuy thế, nhờ những thời-gian đợi đi "làm việc" như thế tại các trại giam như Thanh-Liệt ở Hà-Nội; Kho-Ðạn, Hội-An, và Hòa-Sơn ở Quảng-Nam; mà tôi có dịp gặp nhiều cán-bộ Việt-Cộng cấp cao bị bắt về tội "kinh-tế" hoặc "tham-ô" và cả "bạo-loạn" nữa, cũng như đồng-bào nhiều giới phạm tội "phản-động hiện-hành", vượt biên, vượt biển, đưa hối-lộ, xâm-phạm hoặc phá-hoại tài-sản xã-hội chủ-nghĩa, vân vân, nên tôi biết nhiều và biết sớm những biến-cố xảy ra bên ngoài thế-giới "cải-tạo" hơn đa-số anh+chị+em khác trong tù.

Tôi đã nghe tin trung-tá Nguyễn Văn Long tự-tử từ lâu. Nhưng vì có những trường-hợp sự thật khác với tin đồn; vả lại, biết đâu đó không là một người khác mà lại trùng tên với người mà tôi thân+thương; hơn nữa, anh Nguyễn Văn Long của tôi là một tín-đồ Ky-Tô-Giáo, lẽ nào lại tự hủy mình; do đó, tôi vừa âm-thầm đau-khổ về hoàn-cảnh chung, vừa bán-tín bán-nghi về phần anh Long. Ðến khi tôi được nghe thêm hai viên "thủ-trưởng" -- một thuộc Cục Xuất-Nhập-Khẩu 2 tại "thành phố Hồ Chí Minh", một thuộc Ban Hậu-Cần Quân-Khu 5 -- khẳng-định là họ có nghe đề-cập trong nội-bộ cơ-quan rằng, ngoài một số tướng-lĩnh Miền Nam đã tự-sát chứ không chịu đầu-hàng hay trốn chạy ra nước ngoài, có một trung-tá Cảnh-Sát tên Nguyễn Văn Long, từ Ðà-Nẵng di-tản vào, đã tự-tử chết phía trước trụ-sở Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa, tôi mới tin chắc đó chính là anh Nguyễn Văn Long.
Anh Long vĩnh-biệt cõi đời giữa cảnh lửa-bỏng dầu-sôi, bạn-bè nói riêng và đồng-bào nói chung thì còn bận lo tự cứu lấy mình, trong khi kẻ thù thì càng thù hận anh thêm, lấy đâu có những vòng hoa và những nén nhang cùng những dòng lệ thương tiếc tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Năm 1982, tại Trại bí-mật Thanh-Liệt, thuộc Huyện Thanh-Trì, Hà-Nội, là nơi giam-cứu các phần-tử quan-trọng nhất, mà đa-số là cán-bộ Ðảng, Nhà-Nước và Bộ-Ðội ở cấp Trung-Ương, do Bộ Nội-Vụ trực-tiếp quản-lý, tôi mới được một "bạn tù" cho biết thêm một chi-tiết quý-báu về cái chết hùng-vinh của trung-tá Nguyễn Văn Long. Ðó là Phạm Trung Linh, một trung-tá bộ-đội Bắc-Việt, nguyên Trưởng Tiểu Ban Thanh Tra & Xét Khiếu Tố thuộc Trung Ương Cục Miền Nam -- tổng-thư-ký của một tổ-chức đảo-chính quân-sự dự-định hành-động vào đêm 24 rạng ngày Nô-En năm 1979 nhưng bất-thành nên bị bắt cùng với một số tướng+tá và cán-bộ cao-cấp khác -- xác-nhận rằng gã đã có trông thấy bức ảnh chụp cảnh trung-tá Nguyễn Văn Long mặc cảnh-phục chỉnh-tề nằm chết trước một tượng-đài Chiến-Sĩ Quốc-Gia phía trước trụ-sở Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa, in trên bìa trước của một tạp-chí Hoa-Kỳ, trong kho sách+báo ngoại-quốc mà Việt-Cộng ở một số cấp cao đã sưu-tầm để nghiên-cứu những gì có liên-quan đến Việt-Nam.

Thế là từ đó không những tôi nguôi tủi sầu mà trái lại còn cảm thấy lòng mình vui thỏa cho anh Long. Báo Mỹ mà đã đăng lên thì khắp thế-giới đều biết.. Anh, cùng với những vị anh-hùng tuẫn-quốc khác trong biến-cố lịch-sử 30-4-1975, đã nói lên được hùng-hồn và cụ-thể tinh-thần bất-khuất của dân-tộc Việt-Nam yêu chuộng Tự-Do trước quyền-lực của cộng-sản bạo-tàn.
******
Thuở ấy, vào khoảng 1950, ở Miền Trung có hai hệ-thống an-ninh: một bên là Pháp với cơ-quan Su^reté fédérale (Liêm-Phóng Liên-Bang) và Police franc,aise (Cảnh-Sát Pháp), một bên là Việt-Nam với cơ-quan Công-An & Cảnh-Sát Quốc-Gia.. Anh Nguyễn Văn Long tùng-sự bên Su^reté Fédérale (chính-trị) của Pháp, trong số vài người phụ-trách nội-ô Thần-Kinh; còn tôi thì bên Cảnh-Sát (hình-sự) của Việt-Nam. Tôi kiêm cả việc sáng-tác, ra báo, và dựng kịch cho sở-làm, và cho riêng mình.

Chúng tôi thường uống cà-phê ở quán Lạc-Sơn, nhà hàng lộ-thiên trên lề đại-lộ Trần Hưng-Ðạo, quay lưng vào chợ Ðông-Ba. Nhân-viên hai bên không ưa gì nhau, nhưng gặp mặt mãi cũng thành quen nhau.

Dạo ấy, tôi viết cuốn truyện "Trai Thời Loạn" chống Pháp xâm-lược và Bảo-Ðại bù-nhìn, nên bị bắt giam; sau nhờ phái-đoàn của các nhân-sĩ Cao Văn Tường, Cao Văn Chiểu, cùng với nhà-báo Phạm Bá Nguyên và cả Giám-Ðốc Thông-Tin Lê Tảo can-thiệp với Thủ-Hiến Phan Văn Giáo, tôi mới được trả tự-do. Ra tù, tự-nhiên tôi được thiện-cảm của nhiều người hơn.
Một hôm, anh Long tâm-sự với tôi: "Tôi chống Việt-Minh nên lỡ vào làm với Tây;
nay tôi đã quyết sẽ thôi để qua làm với người mình".

Anh ít nói, không văn-hoa, lại lớn tuổi hơn tôi nhiều, mà đã nói thẳng với tôi như thế thì tôi hiểu rằng anh đã đau-lòng khổ-trí đến ngần nào trước thời-cuộc bấp-bênh của nước nhà. Trong thời-gian chờ-đợi, anh Long đã nghe theo lời thuyết-phục của tôi, bỏ qua cho nhiều bạn thơ của tôi, thí-dụ Nhất-Hiên, Vân-Sơn PMT, Như-Trị, v.v... mà Su^reté Fédérale đã định bắt giam. Liêm-Phóng Liên-Bang của Pháp mà đã bắt ai thì người ấy khó về được vẹn toàn.

Sau đó, anh đã chuyển qua Công-An Việt-Nam; và Vân-Sơn Phan Mỹ Trúc cũng như Như-Trị Bùi Chánh Thời thì vào Sài-Gòn; kẻ thành ký-giả tên tuổi, người nên luật-sư tài-danh.
Sau khi gia-nhập vào đúng hàng-ngũ thích-hợp để phụng thờ Chính-Nghĩa Quốc-Gia, trải qua mấy chục năm trời gắn bó với Lực-Lượng Cảnh-Sát & Công-An Việt-Nam Cộng-Hòa, anh Nguyễn Văn Long tận-tụy phục-vụ, và đã nổi tiếng là một trong số những cấp chỉ-huy tích-cực, cương-trực và liêm-khiết nhất trong Ngành.
******
TÔI về lại Miền Trung đảm-trách Giám-Ðốc Ngành Ðặc-Cảnh tại Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I vào ngày 26 tháng 9 năm 1973. Tìm gặp lại các bạn cũ, thuộc lứa tuổi trên tứ-tuần, đã từng giữ các chức-vụ Trưởng Ty Công-An, Cảnh-Sát-Trưởng, Trưởng Ty CSQG trở lên, từ thời Bảo-Ðại qua thời Ðệ-Nhất Cộng-Hòa đến nay, mà hiện còn lại tại Vùng này, tôi thấy chỉ có 6 người, trong đó có anh Nguyễn Văn Long.
Một số chưa có chức-vụ tương-xứng thì tôi nâng lên hoặc hợp-thức-hóa cho làm Phó Giám-Ðốc, Chánh-Sở. Anh Long thì đã là một Chánh-Sở nắm Sở Tư-Pháp rồi, nên tôi không giúp gì về chức-vụ mà chỉ giúp về công-vụ mà thôi; những tin-tức về hình-sự mà tôi có được, thay vì xếp bỏ thì tôi chuyển qua cho anh. Tuy nhiên, đáp lại, chính anh giúp tôi nhiều hơn, rất nhiều, cả trong công-tác cụ-thể hằng ngày lẫn về phương-diện tinh-thần.

Anh Long tự-nguyện làm thêm nhiệm-vụ chính-trị -- diệt-Cộng -- ngoài phần-vụ chính của anh là truy lùng kẻ phạm-pháp về mặt hình. Là một tay cừ trong giới tình-báo cũ, anh đã nhân làm công-tác sưu-tầm về hình-phạm mà thu-thập thêm tin-tức về quốc-phạm, và đã cung-cấp cho Ngành Ðặc-Cảnh của tôi nhiều manh-mối về cộng-sản nằm vùng. Theo anh quan-niệm, đã là Cảnh-Sát Quốc-Gia, với chức-năng an-ninh trật-tự, thì phải góp phần trực-tiếp hoặc gián-tiếp vào lãnh-vực tình-báo, để phát-hiện và loại-trừ cộng-sản -- mà trong giai-đoạn hiện-tại thì đối-tượng Việt-Cộng phải là ưu-tiên hàng đầu -- để bảo-vệ và duy-trì an-ninh & trật-tự chung. Anh không thể chỉ tự bằng lòng với phận-sự tiễu-trừ tội-phạm xã-hội, mà phải tham-gia phần nào, trong khả-năng mình, vào trách-nhiệm thanh-trừng giặc loạn để giữ nước và cứu dân.

Qua thái-độ và hành-động chính-đáng của mình, trung-tá Nguyễn Văn Long đã mặc-nhiên gửi một thông-điệp, một lời nhắn-nhe tâm-huyết, đến những anh+chị+em đồng-nghiệp nào mà vì lý-do nào đó đã tự cho mình là Cảnh-Sát Sắc-Phục thì không dính-dấp gì về tình-báo, nhất là Cộng-Tặc Miền Nam và Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lăng.

Trung-Tâm Huấn-Luyện Tình-Báo của tôi nằm trên bãi biển Sơn-Chà, tuốt bên kia bờ Hàn-Giang. Lần nào khai-giảng hoặc bế-giảng Khóa nào Nhà-Trường cũng đều có mời các cấp chỉ-huy cả Ðặc-Cảnh lẫn Sắc-Phục đến dự. Về sau, tôi bỏ bớt tiệc mãn-khóa, chấm dứt tình-trạng bắt các học-viên góp tiền. Không còn tiệc-tùng, thì phần lớn quan-khách ngớt vãng-lai, viện cớ bận việc và đường quá xa; nhưng anh Long vẫn tiếp-tục đến dự -- anh nói -- để yểm-trợ tinh-thần chung.

Về mặt tư-pháp, trung-tá Nguyễn Văn Long đã thực-hiện đúng khẩu-hiệu "pháp bất vị thân". Ngay đối với chính đồng-nghiệp, bất-cứ nhân-viên Cảnh-Sát nào mà phạm tội hình-sự là anh truy-tố ra Tòa thẳng tay -- anh nói -- để lành-mạnh-hóa nội-bộ, và nêu gương thượng-tôn luật-pháp cho người dân. Bởi thế, anh bị nhiều người gọi bằng cái tên "Long Lý", ý nói anh chỉ biết chiếu-lý chứ không vị-tình.
Sau Hiệp-Ðịnh Paris 1973, tình-hình xã-hội Miền Nam thật là rối-ren. Bên ngoài thì Cộng-Sản Bắc-Việt công-khai ồ-ạt đổ thêm quân và chiến-cụ, vũ-khí vào tấn-công ta; bên trong thì các tổ-chức xưng-danh đối-lập và lợi-dụng tự-do quá-khích, tiếp tay với các phần-tử nằm vùng, ngày càng gia-tăng mức-độ và cường-độ gây hỗn-loạn trật-tự và làm suy-thoái tinh-thần các lực-lượng Quốc-Gia. Về mặt chính-trị, CSQG vừa phải đối-phó với các bộ-phận Ðảng, Mặt-Trận, Nhà-Nước và Nhân-Dân của CSXL và "Việt-Cộng", vừa phải chống-đỡ các phần-tử, phe nhóm chủ-bại và nội-ứng cho kẻ thù.

Về mặt tệ-đoan xã-hội, ung nhọt tràn lan khắp nơi. Riêng về nạn dịch nhũng-nhiễu tham-lam, công-tác đương-đầu đã gặp quá nhiều khó-khăn. Hầu như kẻ nào làm bậy cũng đều nấp dưới danh-nghĩa của một chính-đảng, tìm sự che-chở của một đoàn-thể hay một số cấp lãnh-đạo nào đó trong Chính-Quyền. Ðụng vào họ, dù họ là kẻ phạm-pháp, có thể là tự rước lấy tai-họa vào mình. Thế mà anh Long đã dám xúc-tiến điều-tra, lập hồ-sơ truy-tố nhiều nhân-vật đáng sợ. Nhiều vụ lắm. Và vụ mà tôi thích nhất là vụ "tiền trợ-cấp dân Quảng-Trị tị-nạn". Ðại-khái như sau:

Ðầu năm 1975, đồng-bào từ Tỉnh Quảng-Trị bắt đầu di-tản. Chính-Quyền Trung-Ương tổ-chức đón tiếp và cứu-trợ họ tại Trại Tạm-Cư Ðà-Nẵng. Trên thực-tế, có người đã vào, có người vẫn còn ở lại ngoài kia. Do đó, có một tổ-chức quy-mô đứng ra lập hồ-sơ ma để lãnh các món cứu-trợ di-tản nhiều hơn bội-phần: tiền mặt, thực-phẩm, thuốc-men, áo+quần, giường+mùng chăn+chiếu, xi-măng, tôn, v.v...., cấp cho cả đồng-bào ở Trại lẫn đồng-bào vẫn còn ở Tỉnh cũ mà được chứng-nhận là đã nhập Trại Tạm-Cư, do ngân-sách của Bộ Xã-Hội đài-thọ. Thậm chí, họ còn lập thêm hồ-sơ theo diện tị-nạn, dành cho đồng-bào dời-cư từ các xã bất-an và "xôi-đậu" đến định-cư tại các xã an-ninh, để lãnh thêm loại trợ-cấp này vốn áp-dụng chung cho bất-cứ vùng quê nào. Chưa thỏa, họ còn chứng-nhận cho cũng những đồng-bào ấy là nguyên cơ-sở của Việt-Cộng ở vùng địch kiểm-soát, nay bỏ kẻ thù về với Quốc-Gia, để hưởng các khoản trợ-cấp loại này do Bộ Chiêu-Hồi cung-cấp định-kỳ, v.v... Ngoài ra, người dân di-tản cũng bị lôi-cuốn vào tình-trạng hỗn-tạp chung bên ngoài Trại, lẫn-lộn giữa hợp-pháp và bất-hợp-pháp. Một số trở thành nhân-viên Chương-Trình Áo Xanh, do một tổ-chức xã-hội Hoa-Kỳ tài-trợ, cung-cấp việc làm cho người lao-động thất-nghiệp. Một số cũng là hội-viên Hội Cựu-Chiến-Binh và Dân-Phế, quy-tụ lính cũ đâu từ thời Pháp-thuộc, thời Nhật chiếm, thời kháng-Pháp, thời Bảo-Ðại, và nạn-nhân các vụ tai-nạn lưu-thông, ẩu-đả, hủy-hoại thân-thể, tàn-tật bẩm-sinh, vân vân, nhưng cũng được lập hồ-sơ và lãnh đều đều từ một tổ-chức nhân-đạo Hoa-Kỳ những món viện-trợ tiền mặt, thực-phẩm, thuốc-men, đồ dùng, v.v... Hơn nữa, một số giả-danh là Thương-Phế-Binh, cưỡng-thu "hụi chết" tại các hàng quán, bến xe. Phanh-phui vụ này lòi ra vụ kia. Tóm lại, một người lãnh nhiều trợ-cấp với nhiều tư-cách trong nhiều hoàn-cảnh khác nhau; nhưng chỉ lãnh được một ít, còn thì nạp vào túi riêng của bọn gian+tham.
Vụ án đã làm chấn-động dư-luận, vì dính đến nhiều cấp+chức thuộc nhiều giới, ngành, từ cấp Tổ, Toán, Khóm, Thôn, Xã, Phường, lên đến Quận, Tỉnh, vào thấu Sài-Gòn, là những phần-tử chứng-nhận láo, chấp-thuận bừa, do đó, đã phí-phạm công-quỹ và phá-hoại chính-sách của Trung-Ương.

TRONG việc móc-nối đầu mối, nuôi-dưỡng đường dây, lắm lúc nhân-viên Ðặc-Cảnh phải giao-tiếp với những kẻ bất-lương.. Bởi thế, đã có một số Trưởng Mối bị trừng-phạt oan, vì phía Hình-Cảnh nghi là đồng-lõa hay đỡ đầu. Sau khi có thêm bộ-phận An-Ninh Cảnh-Lực, Ðặc-Cảnh càng gặp nhiều khó-khăn hơn, đến nỗi Tư-Lệnh Ðặc-Cảnh Trung-Ương hồi đó là đại-tá Nguyễn Mâu đã phải lên tiếng phản-đối công-khai trước một đại-hội toàn-quốc, do Tổng Giám-Ðốc chủ-tọa, nhưng chưa ngã-ngũ ra sao.

Với tôi, anh Long đã chịu nhượng-bộ: nếu gặp nhân-viên Ðặc-Cảnh liên-can đến các vụ hình, anh để tùy tôi xét trước, để tránh oan-ức, trở-ngại cho công-tác chìm. Ấy là nhờ anh hiểu rõ phương-thức tình-báo và đặt nhu-cầu chống Cộng lên hàng ưu-tiên. Ðó là quyết-định linh-động duy-nhất trong cương-vị Chánh Sở Pháp-Cảnh của anh Long.
******
KỶ-NIỆM đậm nét nhất trong đời tôi về anh Long là vụ rút lui ra khỏi Ðà-Nẵng, thành-lũy cuối cùng của Quân-Khu I Việt-Nam Cộng-Hòa.
Lúc ấy vào khoảng 10 giờ tối ngày 28-3-1975.

Trên máy vô-tuyến truyền-tin thuộc hệ Cảnh-Sát Sắc-Phục nội-thành Ðà-Nẵng, tôi nghe một đài gọi đài trung-ương, nhưng không có ai trả lời. Lát sau, có một đài khác cất tiếng: "Ðừng gọi vô-ích, bọn chúng chạy hết cả rồi!" Tôi bèn hỏi đài hồi nãy, thì được báo-cáo là có nhiều người ăn mặc lộn-xộn, vũ-khí cầm tay, đang nép hai bên lề đường từ hướng Hòa-Cường tiến vào.

Tôi dùng làn sóng của hệ Ðặc-Cảnh ra lệnh cho Sở Tác-Vụ Vùng và Sở Ðặc-Cảnh sở-tại đối-phó, đồng-thời gọi máy điện-thoại cho đại-tá Nguyễn Xuân Lộc, Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I, lúc ấy đang cùng có mặt với các Chánh-Sở Vùng và một số Chỉ-Huy Cảnh-Lực Tỉnh tập-trung tại đây.

Lát sau, anh Long đến ngồi tại phòng truyền-tin của Ngành Ðặc-Cảnh Vùng -- nơi đây có máy âm-thoại của cả 2 hệ nổi+chìm địa-phương lẫn hệ toàn-quốc, và máy điện-thoại bưu-điện, điện-thoại quân-sự -- cách dăm mười phút lại gọi hỏi tôi tình-hình thế nào.

Vì máy quá bận, tôi khuyên anh vào phòng-giấy của đại-tá Lộc để cùng theo-dõi diễn-biến tình-hình chung.
Khoảng sau 11 giờ đêm, từ đài Ðặc-Cảnh Vùng I trung-tá Long gọi tôi.. Lần nầy tôi nghe giọng anh run lên, lời-lẽ trịnh-trọng khác thường: "Tôi xin mời ông Phụ-Tá đến ngay để tổ-chức phòng-tuyến và chỉ-huy đội-ngũ tử-thủ cùng với anh+em chúng tôi!" (Tử-thủ là lời cam-kết của trung-tướng Ngô Quang Trưởng đọc trên Ðài Phát-Thanh Ðà-Nẵng suốt chiều hôm nay).

Tôi hỏi về đại-tá Lộc thì anh đáp gọn với giọng bực-tức và chán-chường: "Các ngài đào-ngũ hết rồi!"

Anh Long kể lại với tôi là anh được lệnh, cùng với mọi người có mặt tại trụ-sở Vùng -- Chánh-Sở các Sở, Chỉ-Huy của một số Tỉnh, có cả mấy viên đại-tá quân-đội -- theo đại-tá Lộc xuống bến Giang-Cảnh, lên tàu Giang-Cảnh, rời bến hướng ra biển Ðông.

Anh hỏi đi đâu thì đại-tá Lộc trả lời: "Chúng ta di-tản vào Nam!" Anh thấy máu uất xông lên đỉnh đầu, la lên: "Giặc chưa tấn-công, thuộc-viên vẫn còn ở lại, mà cấp chỉ-huy đã lén-lút bỏ đi như thế này là hèn!" Lộc cố giải-thích: "Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn đã rút đi rồi. Trong tình-huống này chúng ta đành phải phụ lòng anh em mà thôi!" Long bèn rút súng, nhìn thẳng vào mặt từng người với vẻ khinh thường, và bảo tàu ghé vào bờ cho anh trở lui.

Và anh đã về trụ-sở, để cùng chiến-đấu, sống chết có nhau với anh em.
TÔI tin-tưởng và kính-phục anh Long vô cùng; nhưng tôi thấy rõ là nếu đến sở thì sẽ dính kẹt ở đó, khó lòng điều-động hoạt-động bên ngoài, nên nói là tôi bận họp. Anh xin mượn tôi một máy vô-tuyến cầm tay, và đòi đến họp với tôi.
Tôi kéo thiếu-tá Ngô Phi Ðạm, Chánh Sở Tác-Vụ, ra xe. Ðến bến Bạch-Ðằng quả thấy xe Jeep xanh+trắng và ô-liu bỏ đậu nghênh-ngang; gọi máy vô-tuyến trên hệ Sắc-Phục đến đại-tá Lộc ở sở, ở nhà, không ai trả lời; tôi bèn chỉ-thị Trung-Tâm Hành-Quân Ðặc-Cảnh báo-cáo sự-việc lên Trung-Ương.
Anh Long đã đến nhà tôi, hỏi tôi ở đâu, tôi đáp là đến Ðặc-Khu, nhưng tôi đến Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn; nơi đây vắng hoe. Anh hỏi, tôi đáp là vào phi-trường, nhưng tôi đến Sở An-Ninh Quân-Ðội; nơi đây cũng chẳng còn ai. Anh không gặp tôi, lại hỏi; và tôi lại dối, tránh anh. Cứ thế mà tôi đến khắp các nơi vốn là chỗ dựa cho niềm tin của dân-nhân.
Ðến sau nửa đêm thì cả thành-phố đổ dồn qua cầu Trịnh Minh Thế để qua bến cảng, bãi biển Quận III, để mong chạy vào Sài-Gòn. Tôi cùng Tác-Vụ, Thám-Sát Ðặc-Biệt, quan-sát xong tình-hình bên đó, len lách trở về thì thoáng dưới ánh đèn pha thấy rõ hình-dáng của anh, mặc cảnh-chiến-phục, gác khẩu M-16 ngang đùi, mặt-mày đỏ gay, tức uất nhưng đầy cương-nghị, lái xe vụt qua.
ÐÓ là hình-ảnh cuối cùng của trung-tá Nguyễn Văn Long, mãi mãi hằn sâu trong ký-ức tôi.
******
GẦN sáng, ngày 29-3-1975, Việt-Cộng pháo-kích hải-cảng, phi-trường. Mờ sáng, đặc-công từ hướng Núi Non-Nước bắt đầu tấn-công vào. Ðến trưa, tôi gọi máy về cho đại-úy Nguyễn Văn Tuyên, Chánh Sở Nghiên Kế , lúc đó còn ngồi tại chỗ, ra lệnh giải-tán Trung-Tâm Hành-Quân của Ðặc-Cảnh Vùng I, là bộ-phận sau rốt của Chính- Quyền VNCH còn hoạt-động đến phút cuối cùng, và cho phép thuộc-viên tự tìm phương-tiện thoát thân. Xế chiều, tôi mới kiếm được chiếc thúng, rời bờ, liều-lĩnh trước các làn đạn pháo-kích của địch và trực-xạ của chính bạn mình.
Và tôi không còn gặp lại anh Long.
******
CÁI chết của trung-tá Cảnh-Sát Nguyễn Văn Long làm tôi suy-nghĩ rất nhiều.
Anh đã phục-vụ dưới nhiều chế-độ khác nhau, đảm-trách công-tác ở nhiều lĩnh-vực khác nhau, nhưng vẫn giữ mình trung-chính khiết-liêm. Anh tuy lớn tuổi nhưng vẫn trẻ-trung trong lối sống và trong công việc, không bị lứa trẻ sau này vượt qua.

Trong lúc nước nhà đang bị cộng-sản xâm-lăng, anh ý-thức được chúng là kẻ thù số một của toàn-dân, sự-nghiệp chống Cộng phải là ưu-tiên số một của mọi người yêu quý Tự-Do, nên anh phải góp phần vàọ Thành-quả chống Cộng của CSQG nói chung, là đã có lúc hạ được nhiều tên cộng-tặc hơn cả con số chúng bị thiệt-hại trên chiến-trường, do đó, anh tự nhận lãnh vào bản-thân mình một phần trách-nhiệm đối với đối-phương về những tổn-thất mà chúng hứng chịu nặng-nề; nhưng trên tất cả là sự sụp đổ thảm-khốc của Việt-Nam Cộng-Hòa, mà đối với Tổ-Quốc, Dân-Tộc, Lịch-Sử, và Thế-Giới, thì cái trách-nhiệm vô cùng lớn-lao ấy nhất-định là của mọi người, trong đó có anh; nên anh tự xử -- cũng như các anh-hùng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, vân vân -- để tạ tội với Tiền- Nhân và Quốc-Dân, và để nói lên tinh-thần bất-khuất của người chiến-sĩ Tự-Do, không chịu hạ mình đầu-hàng kẻ thù.

CÁI chết của anh Long làm tôi hãnh-diện vô cùng. Tuy người chết không mong được đời nhắc đến, nhưng bổn-phận của người sống là phải phát-huy những tấm gương trí-dũng ngời sáng ấy, để nhờ đó mà mình tin-tưởng và phấn-khởi tiếp-tục lo toan sự-nghiệp chung.
Bây giờ, đối với toàn-dân, Nguyễn Văn Long không còn là một trung-tá, là một Chánh-Sở Tư-Pháp, là một viên-chức An-Ninh, là những gì gì khác nữa ... mà anh đã là và vẫn còn là đại-diện cho bất-cứ chiến-hữu ưu-tú nào, không phân-biệt cấp/bậc, chức-vụ, ngành/nghề, hình-sự hay phản-gián, phái mạnh hay phái đẹp; mà anh đã vinh-quang đi vào Lịch-Sử với tư-cách một anh-hùng của Dân-Tộc Việt-Nam nói chung và Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia nói riêng.